Đổi thay trên quê hương Phước Chiến anh hùng

(NTO) Người dân vùng cao Phước Chiến, huyện Thuận Bắc một lòng, một dạ thủy chung sắc son với Đảng, Bác Hồ, với cách mạng. Thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng trăm người dân địa phương tham gia vào lực lượng du kích, làm liên lạc, mang vác vũ khí, lương thực tiếp tế cho bộ đội. Hiện ở địa phương có 69 liệt sỹ, 225 thương, bệnh binh và nhiều gia đình chính sách. Sau ngày thống nhất đất nước, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và nhân địa phương đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 
Hệ thống cấp nước sinh hoạt Phước Chiến vừa được xây mới phục vụ hàng trăm hộ dân ở địa phương.

Trở lại Phước Chiến vào giữa những ngày tháng Tư lịch sử, ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là hệ thống giao thông được xây dựng khang trang. Ít ai nghĩ rằng, ở vùng núi địa hình phức tạp, đồi núi lô nhô mà đường sá lại thuận tiện như vậy. Xe theo tuyến đường nhựa 706, qua khỏi hồ Sông Trâu, trước mắt chúng tôi là những khu tái định cư được quy hoạch bài bản. Không riêng gì thôn Đầu Suối B, Động Thông nằm ở trung tâm xã, mà thôn Ma Trai cách đó 4 km cũng được quy hoạch đường theo ô bàn cờ, tất cả đều tráng nhựa. Các đường nội thôn ở hai thôn nằm cuối xã là Đầu Suối A và Tập Lá cũng được đổ bê-tông nhờ vào nguồn vốn các chương trình mục tiêu của Chính phủ.

Cùng với hệ thống giao thông, nhà cửa của người dân nơi đây được xây dựng khang trang, vững chắc. Ngoài những hộ nằm trong lòng hồ Sông Trâu khi về Khu tái định cư vào năm 2004 được Nhà nước cấp một căn nhà xây, thì hàng trăm hộ khác không thuộc diện di dời cũng được hỗ trợ xây nhà. Đến nay, địa phương đã xóa được nhà tạm, 928 hộ dân ở 5 thôn trong xã đều có nhà xây.

Có thể nói, cùng với các xã miền núi, vùng cao trong tỉnh, Phước Chiến hôm nay đã có nhiều đổi thay, bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày. Ở lĩnh vực kinh tế, được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Phước Chiến tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ chỗ người dân canh tác nhỏ lẻ, mang tính “tự cung tự cấp”, nay đã hình thành được các vùng chuyên canh trồng mỳ cao sản, mía theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng chí Nguyễn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Cuối năm 2008, Đảng ủy, UBND xã phát động bà con nông dân trồng mỳ cao sản. Đây được xem là bước đột phá mới trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Để giúp bà con, xã cử cán bộ ra Cam Ranh (Khánh Hòa) mua giống chở về phân phát cho các hộ trồng thử nghiệm trên 10 ha. Điều đáng mừng là, mỳ cao sản thích hợp với đất đồi ở địa phương nên phát triển tốt, vụ đầu thu hoạch năng suất đạt 50 tấn/ha, cao gấp 3 lần so với mỳ địa phương.”.

Thắng lợi trong trồng mỳ đã mở đà cho địa phương quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng đậu, bắp kém hiệu quả xung quanh hồ Ma Trai sang trồng mía. Cây mía mang lại hiệu quả cao, thu lãi trên dưới 30 triệu đồng/ha/vụ. Nhiều hộ trồng mía mỗi vụ thu về hàng chục triệu đồng như hộ Ka-tơ Phá, Chamaléa Chiến ở thôn Ma Trai... Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng mía, mỳ cao sản, đồng chí Nguyễn Nam, bộc bạch: “Từ chỗ trồng thử nghiệm vài ha vào năm 2008, đến nay diện tích mỳ cao sản ở địa phương lên tới 160 ha, mía 60 ha và còn tăng vào những năm tới. Có được như hôm nay, là nhờ sự quan tâm của các ban, ngành trong việc hỗ trợ bà con thực hiện các mô hình sản xuất mới”.

Sản xuất có hiệu quả, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm, từ chỗ 50% trước đây, nay xuống còn 37%. Trong xã không còn hộ thiếu gạo vào những ngày giáp hạt; 100% hộ có điện; 75% hộ có nước sạch sinh hoạt vào tận nhà; 486 hộ có xe máy. Đặc biệt có 2 hộ sắm được xe tải vận chuyển nông sản.

Khi chúng tôi hỏi về chuyện học, đồng chí Nguyễn Nam, khoe: Toàn xã có 5 điểm trường Tiểu học ở 5 thôn và 1 trường THCS. Tất cả các trường được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy và học. Địa phương có 3 em đang học đại học, 5 cao đẳng và 3 trung cấp. Đây là điều chưa bao giờ có trước đây. Trạm y tế cũng được xây dựng từ lâu với 1 cơ sở chính ở trung tâm xã và 3 phân trạm ở các thôn. Đội ngũ thầy thuốc y, bác sỹ đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân.

Về Phước Chiến những ngày này, mùa mỳ cao sản, mía đã thu hoạch xong, mùa mít đang chín rộ. Thời gian lưu lại không lâu, nhưng cũng đủ để chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay. Nếu thế hệ đi trước đã chiến đấu kiên cường để bảo vệ từng tấc đất quê hương, thì thế hệ hôm nay đã đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp.