Làng thợ hồ

(NTO) Nhắc đến thôn An Thạnh, xã An Hải (Ninh Phước), nhiều người lại nghĩ ngay đến làng nghề truyền thống với sản phẩm chiếu cói từng "vang bóng một thời". Vậy mà, về An Thạnh hôm nay, trong khi làng chiếu truyền thống đang mai một… thì nghề thợ hồ đang phát triển mạnh, trở thành nghề chính của lao động nam tại địa phương. Nhiều người đã gọi An Thạnh là “làng thợ hồ”.

Người người làm thợ

Khi biết tôi có ý định tìm hiểu về nghề thợ hồ ở thôn An Thạnh, anh Trần Khánh Ninh, Chủ tịch UBND xã An Hải, nhắc: “Nếu anh vào làng lấy tư liệu thì nên vào buổi tối, chứ ban ngày làng chỉ có người già, trẻ con và phụ nữ thôi, còn đàn ông đi làm thợ hồ hết cả rồi!”.

Nghề làm thợ hồ có thu nhập ổn định bảo đảm đời sống cho người lao động. Ảnh: Anh Tùng

Quả như lời anh Ninh, dạo một vòng, từ đầu làng cuối xóm đều thấy vắng bóng đàn ông trong độ tuổi lao động. Theo nhiều người cao tuổi trong làng cho biết: An Thạnh vẫn được xem là làng “bổn nghề” nhất ở huyện Ninh Phước. Bởi nơi đây có rất nhiều nghề truyền thống, có những nghề như nghề làm chiếu cói đã trở thành “thương hiệu”… Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, những nghề truyền thống một thời được xem là “cần câu cơm” của người dân nơi đây như nghề chiếu, nghề mộc, gốm… mai một dần thì nghề thợ hồ (thợ xây dựng) lại “sống khỏe” và ngày càng phát triển, trở thành nghề chính của dân lao động nơi đây.

“Thầu công” Lê Vang Ngọc, 64 tuổi, ở An Thạnh, là một minh chứng. Xuất thân từ phụ hồ, ra thợ… đến nay trở thành nhà “Thầu công” xây dựng các công trình nhà ở. Ông Ngọc luôn mỉm cười và tự cho mình đã chọn đúng con đường đi-làm nghề thợ hồ. Không chỉ nâng cao kinh tế cho gia đình mình, ông còn giải quyết được hàng chục lao động có việc làm, thu nhập ổn định tại địa phương. Hiện nay, dưới tay ông Ngọc luôn có từ 40 - 50 thợ lành nghề-toàn thợ làng An Thạnh. Theo ông Ngọc: “Thợ hồ An Thạnh đâu có ai qua trường lớp xây dựng nào đâu, ông cha đi làm, con cháu đi theo phụ, dần trưởng thành ra nghề vậy thôi. Phương thức truyền nghề phổ biến vẫn là “cha truyền con nối”, người nọ dạy người kia”.

Còn ông Trần Văn Hòa, 62 tuổi, đã có gần 50 năm trong nghề cho biết: Đàn ông trong thôn hầu như ai cũng làm được. Hiện An Thạnh có đội ngũ thợ xây hùng hậu với khoảng 1.000 thợ, trong đó có trên 200 thợ bậc cao (thợ cả). Sáng đổ đi khắp tỉnh, trưa ăn cơm công trình, tối mới quay về nhà. Nhà tôi, con trai, con gái đều theo nghề thợ hồ cả”. Ông Hòa hiện nay đã lớn tuổi nên chuyển sang công việc coi công thợ và ghi nhật ký công trình. Còn em Nguyễn Văn Hùng, 18 tuổi tâm sự: “Em không được học hành đến nơi đến chốn nên xin việc trong các công ty, doanh nghiệp rất khó, nhà có mấy sào ruộng thì ba mẹ làm là đủ. Thật may, là làng có nghề thợ hồ nên em cũng vừa làm vừa học nghề, đang là mùa xây dựng nên mỗi tháng cũng kiếm được 3-4 triệu đồng”.

Nghề không phụ người

Toàn thôn An Thạnh (gồm An Thạnh 1 và 2) có gần 1.000 hộ sinh sống, trong đó có gần 260 hộ chuyên nghề xây dựng. Số hộ còn lại, có 1 đến 2 người tham gia làm thợ hồ. Đến bây giờ, người dân trong làng cũng không ai giải thích được vì sao đàn ông An Thạnh đều theo nghề thợ hồ, và có “khiếu” về xây dựng. Cũng có người giải thích, do diện tích đất nông nghiệp chỉ có gần 130ha, lại nằm cuối sông Lu nên sản xuất gặp vô cùng khó khăn, thường xuyên lại chịu ảnh hưởng hạn hán, lụt lội… hay do con em học hành không đến nơi đến chốn... Để lo cuộc sống, khiến người dân nơi đây phải bươn chải, tìm tòi nhiều nghề để kiếm sống, trong đó có nghề thợ hồ… Toàn thôn, có đến 90% số đàn ông biết nghề hồ. Một bộ bay, bàn xoa, cái thước… thợ An Thạnh có mặt ở khắp nơi. Theo “thầu công” Ngọc: “Bình quân mỗi tháng thu nhập từ 3-4 triệu (thợ phụ), 5-7 triệu (thợ cả). Với gần 1.000 thợ xây, mỗi tháng tổng thu “tiền công thợ” của làng trên dưới 500 triệu đồng-một số tiền không hề nhỏ trong giải quyết sinh hoạt, chi tiêu, mua sắm của các hộ dân. Nghề nghiệp ổn định, tạo thu nhập ổn định, thúc đẩy đời sống kinh tế-xã hội, tinh thần của người dân An Thạnh được nâng lên”. Ông Ngọc dẫn chứng thêm, gần như 100% nhà thợ hồ trong làng đều được xây dựng vững chãi. Tiện nghi như ti-vi, xe máy… đều được mua sắm, trang bị đầy đủ… Cũng theo ông Ngọc, ông Hòa: Trước đây, thợ An Thạnh làm thủ công là chính, nay đã có khả năng sắm sửa các phương tiện hành nghề (tổ hợp giáo sắt, cốp pha định hình, máy trộn bê-tông, xe vận chuyển...) và các dụng cụ thi công tiên tiến khác. Hình thức hành nghề chủ yếu có từ 5-10 người thợ tập hợp thành một nhóm, trong đó sẽ có 1-2 thợ cả đảm nhận những công việc khó như đọc bản thiết kế, trang trí, đánh mặt bằng, rọi, lấy tim, lấy cốt và hướng dẫn những thợ khác cùng làm.

Anh Trần Khánh Ninh cho biết thêm: “Cùng với sự phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng thì nhu cầu xây dựng ngày càng lớn, nghề thợ hồ An Thạnh có điều kiện phát triển tốt. Đặc biệt, nhờ nghề thợ hồ giúp xã giải quyết được nhiều vấn đề xã hội bức xúc trong nông thôn hiện nay như: Giải quyết việc làm, giảm các tệ nạn xã hội, phát triển kinh tế. Địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi để người dân trong làng đi làm ăn xa, khuyến khích thanh niên trong làng học hỏi và theo nghề".