Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) kêu gọi cộng đồng khoa học công nghệ giúp nâng cao nhận thức và hành động để đối phó với các thách thức đang đe dọa sự tồn vong của nhân loại và hành tinh như biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế tài chính, an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng...
Tổng Giám đốc UNESCO, Irina Bôcôva (Irina Bokova), kêu gọi thế giới đặt khoa học công nghệ vào trung tâm các nỗ lực phát triển bền vững và khẳng định UNESCO tăng cường vai trò hỗ trợ các nước đưa ra được các giải pháp về tăng trưởng kinh tế công bằng và phổ quát với sự giúp đỡ của khoa học công nghệ.
Hội nghị với chủ đề “Sức ép đối với hành tinh” do UNESCO tổ chức ở Luân Đôn (Anh) đã thu hút hơn 3.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới, các nhà lãnh đạo chính trị, học giả, chuyên gia y tế, lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ....
Hội nghị thảo luận các thách thức toàn cầu như nạn ôxít hóa đại dương, sự xuống cấp của hệ sinh thái, phúc lợi con người, các giới hạn của hành tinh, an ninh lương thực, năng lượng và quản trị, để đề xuất các giải pháp bền vững mới cho Rio+20. Hội nghị nhấn mạnh tác động của con người đến hệ sinh thái hành tinh đã đưa Trái Đất vào một kỷ nguyên mới có thể so sánh với các quá trình địa chất trước đây trên quy mô toàn cầu. Tác động này đã làm thay đổi lớn bức tranh Trái Đất và làm tuyệt chủng ồ ạt nhiều loài sinh vật. Vì vậy, điều cấp thiết hiện nay là khoa học phải xác định các ngưỡng và các giới hạn của các khu vực và toàn cầu để ngăn chặn tác động của con người vượt qua các ngưỡng này có thể gây thảm họa bi thảm về kinh tế, xã hội và môi trường. Một đường lối hướng tới nhiều trung tâm để quản lý hành tinh là cần thiết để tạo ra các đối tác đa dạng giữa các chính phủ, giới kinh doanh và xã hội dân sự.
UNESCO cho rằng các chính phủ cần hành động tập thể để tăng cường sự gắn kết và thúc đẩy chính sách hòa nhập và hành động củng cố các trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường ở cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, LHQ cũng cần xây dựng Hội đồng phát triển bền vững để hòa nhập các chính sách kinh tế, xã hội và môi trường ở cấp toàn cầu. Sinh thái phải được hòa nhập vào kinh tế và các giá trị tiền tệ và phi tiền tệ của tài sản công toàn cầu như đại dương và khí quyển phải được tính đến trong khuôn khổ chính sách phát triển bền vững. Cộng đồng khoa học phải được tham gia phát triển các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) không thể là tiêu chí duy nhất để đánh giá phúc lợi con người, các tiêu chí khác bao gồm các tiêu chí về chất lượng cuộc sống phải được phát triển để xác định những cải thiện phúc lợi ở mọi cấp độ.
UNESCO nhấn mạnh một đường lối nghiên cứu mới cần được xây dựng để hoà nhập quốc tế hơn, hướng tới các giải pháp góp phần thúc đẩy chính sách bền vững đa dạng toàn cầu. Một khuôn khổ mới cũng cần thiết để định kỳ phân tích bền vững toàn cầu, giúp tăng cường giao diện giữa khoa học và chính sách. Sáng kiến nghiên cứu khoa học mới về “Nghiên cứu Trái Đất trong tương lai vì phát triển bền vững” đã được phát động nhằm đạt được các mục tiêu này.
TS