• Tăng sản lượng, bị ép giá
Những tuyên bố lạc quan của VFA về số lượng gạo xuất khẩu vừa ký tăng mạnh chưa giúp hàng triệu nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL yên tâm. Thực tế, họ đang đối diện với nhiều khó khăn. “Ngay khi doanh nghiệp trong tỉnh triển khai mua tạm trữ, giá gạo nhích lên vài trăm đồng; sau 1 - 2 tuần mua đủ chỉ tiêu, giá lúa lại xuống như cũ” – ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, cho biết.
Nông dân ĐBSCL phơi lúa lộ thiên. Ảnh: V.Tường
Theo ông Hùng, sản lượng lúa đông – xuân của Hậu Giang khoảng 500.000 – 600.000 tấn, trong khi chỉ tiêu mua tạm trữ được phân bổ chỉ 15.000 tấn gạo (tương đương 30.000 tấn lúa), chẳng thấm vào đâu! Tương tự tại Đồng Tháp, sản lượng lúa đông – xuân của tỉnh này khoảng 1,5 – 1,6 triệu tấn, trong khi chỉ tiêu giao mua tạm trữ 83.000 tấn gạo (khoảng 160.000 tấn lúa), bằng 10% sản lượng lúa của Đồng Tháp.
Đến ngày 10-4, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch hơn 2/3 diện tích lúa đông – xuân (diện tích lúa toàn vùng hơn 1,5 triệu ha). Tổng sản lượng ước khoảng 11 triệu tấn, mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (khoảng 2 triệu tấn lúa), còn khoảng 9 triệu tấn lúa sẽ tiêu thụ ra sao? Lãnh đạo ngành nông nghiệp một tỉnh trong vùng nhận định: “Việc mua tạm trữ chỉ mang tính phép tắc chứ khó giải quyết nhanh lượng lúa hàng hóa trong dân”. Một lãnh đạo ngành công thương trong vùng than phiền: “Việc giao chỉ tiêu cho các tỉnh mua tạm trữ vẫn chưa ổn. Chủ yếu VFA giao cho mấy công ty mối mang”.
Điều đáng lo khác là lượng lúa hàng hóa còn nhiều chưa tiêu thụ, nông dân trong vùng đã xuống giống hàng trăm ngàn hécta lúa hè - thu. Đặc điểm của ĐBSCL là sản xuất lúa 3 vụ/năm, các vụ lúa liên tiếp nối đuôi nhau, áp lực tiêu thụ lúa hàng hóa sẽ càng chồng chất! Một điểm đáng lưu ý, hiện nay các tỉnh thường xuống giống đồng loạt để né rầy, kéo theo thu hoạch cũng sẽ đạo đồng. Việc thu hoạch rộ cùng thời điểm, giá giảm nhanh vẫn xảy ra lâu nay đối với nông sản ĐBSCL. Nhiều áp lực chi tiêu trong cuộc sống buộc nông dân phải “bấm bụng” bán giá rẻ. Đây cũng là cơ hội để các nhà buôn gạo đầu cơ!
• Loay hoay bài toán giá thành
Trong khi lúa hàng hóa đang tồn đọng, các cơ quan chức năng loay hoay tính giá thành sản xuất lúa, nhiều bất cập đã lộ diện. Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cách tính hết chi phí chia đều sản lượng để ra giá thành (tùy vùng) là chưa khấu hao tài sản trên đất. Nhiều tỉnh thành đã chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để nông dân hạ giá thành.
Khi hệ thống kho chứa, máy sấy lúa hoàn chỉnh, nông dân sẽ chủ động trong xuất khẩu gạo.
“Giá thành thấp nhất, người dân hưởng lợi nhiều nhất chứ không phải lấy giá thành làm cơ sở thu mua. Nếu cứ lấy khung đảm bảo 30% lợi nhuận cho nông dân trồng lúa để mua không khéo phản tác dụng. Chuỗi giá trị trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo, ai nói cũng được nhưng làm không được. Câu hỏi đặt ra, nếu giá thành 4.000 đồng/kg lúa doanh nghiệp bán 7.000 đồng/kg, doanh nghiệp lời bao nhiêu? Doanh nghiệp làm dịch vụ, lợi nhuận cao, đương nhiên lợi nhuận nông dân teo lại. Nông dân chịu thiệt thòi nhất” – ông Quốc phân tích.
Thực tế, trong vụ đông - xuân này có hàng ngàn nông dân trong vùng chua xót nhìn lúa đổ sập do thời tiết mưa dông bất thường, từ đó nông dân chịu thiệt thòi kép: năng suất lúa giảm nghiêm trọng, trong khi công cắt lúa tăng 2-3 lần.
Chỉ riêng tại xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, hàng trăm nông dân khóc ròng vì lúa đổ sập. Anh Cao Văn Nhứt, nông dân xã Long Bình cho biết, vừa bán xong 100 giạ lúa với giá 4.800 đồng/kg. Công cắt lúa thay vì chỉ khoảng 180.000 đồng/công, nay vọt lên 500.000 đồng/công do lúa đổ sập, chất lượng giảm phải tốn thêm tiền sấy lúa. Tính ra anh Nhứt còn may mắn hơn ông Ba Hiền, lúa cũng bị đổ sập, tiền thuê nhân công cắt lúa lên 600.000 đồng/công nhưng lúa sau khi sấy bị thương lái chê không mua! Có bao nhiêu nông dân chịu chung cảnh như anh Nhứt, ông Ba Hiền (nếu có một điều tra chắc không ít) và những rủi ro của họ có được tính vào giá thành sản xuất?
Nguồn Báo SGGP Online