ADB: Năm 2013 tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam sẽ đạt mức 6,2%

Ngày 11/4 tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã công bố Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2012 và đưa ra dự báo đến năm 2013 tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam sẽ đạt mức 6,2% và lạm phát trung bình có thể giảm xuống 11,5%.

 

Toàn cảnh lễ công bố (Ảnh: VT)

Cũng theo bản báo cáo này thì việc duy trì thắt chặt chính sách trong cả năm 2011 thông qua Nghị quyết 11 của Chính phủ đã làm giảm lạm phát, giúp ổn định tỷ giá hối đoái, khôi phục được phần nào lượng dự trữ ngoại tệ. Để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, Chính phủ đã nới lỏng một chút chính sách tiền tệ vào đầu năm 2012 và đưa ra tín hiệu rằng sẽ có thể nới lỏng nữa nếu như lạm phát có xu hướng giảm. Tuy nhiên, lạm phát vẫn ở mức hai con số và dự trữ ngoại tệ vẫn còn tương đối thấp so với nhập khẩu. Do đó, triển vọng phát triển ngắn hạn có thể gặp những rủi ro nếu Chính phủ hạ lãi suất quá nhanh, dẫn đến việc thị trường ngoại hối mất ổn định.

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với trọng tâm của Chính phủ đối với các cải cách cơ chế trong năm 2012, nhưng nhấn mạnh rằng việc tăng sự minh bạch phải là tâm điểm của tiến trình cải cách, đặc biệt là liên quan tới lĩnh vực của các doanh nghiệp nhà nước.

Ông Tomoyuki Kimaru, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng: "Tăng cường sự minh bạch trong hiệu quả hoạt động tài chính của các doanh nghiệp nhà nước sẽ đưa ra tín hiệu mạnh mẽ với thị trường rằng Chính phủ thực sự cam kết cải cách. Tiến trình cải cách cũng sẽ được hưởng lợi từ việc có nhiều thông tin hơn về các cải cách cơ cấu tới nay, so sánh với các mục tiêu của Chính phủ".

Tuy nhiên, việc tăng trưởng tín dụng nhanh trong những năm gần đây, cùng với đó là việc thắt chặt tín dụng trong năm 2011 và việc suy giảm nghiêm trọng các thị trường bất động sản, chứng khoán đã tạo thêm nhiều áp lực đối với các ngân hàng. Quan hệ cho vay với các doanh nhiệp nhà nước không có hiệu quả các hoạt động dàn trải càng làm tăng những nghi ngại về khẳ năng an toàn vốn.

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á ủng hộ các kế hoạch của Chính phủ trong việc tái cơ cấu lĩnh vực tài chính, nhưng lưu ý rằng việc Ngân hàng Nhà nước cần chuyển dần theo hướng hệ thống giám sát dựa trên rủi ro, nhằm đảm bảo được sự lành mạnh của ngân hàng.

Cũng theo ông Tomoyuki Kimaru: "Đảm bảo an toàn cho ngành ngân cần phải là ưu tiên trước mắt. Yêu cầu dài hạn là xây dựng một hệ thống tài chính đa dạng và hiệu quả, có thể huy động được nguồn vốn đáp ứng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7-8%".

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam