Dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật gồm: Những quy định nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đại diện Sở Tư pháp tham gia góp ý xây dựng dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến trong việc chỉnh sửa, bổ sung một số thuật ngữ cho điều luật. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng việc nghiên cứu, xây dựng và đưa Luật phổ biến, giáo dục pháp luật vào cuộc sống là điều rất cần thiết. Đồng thời, các đại biểu cũng đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến trong đó tập trung vào một số vấn đề như: Tại điều 5 chương I cần bổ sung thêm nguyên tắc “Hiểu biết và tôn trọng pháp luật là quyền và nghĩa vụ của công dân”; nên gộp các điều 22 và 23 thành một điều về “Giáo dục pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân”; bổ sung trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan lập pháp tại khoản 1 điều 3; bổ sung quy định về trách nhiệm của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; cần có quy định về việc khen thưởng và kỷ luật đối với công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tại điều 9; xác định và phân biệt rõ hình thức và biện pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật; bổ sung Bảo hiểm y tế vào nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp tại khoản 1 điều 18….
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các vị đại biểu và tổng hợp để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.
Trần Phương