Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng – cơ quan thẩm tra dự án Luật tán thành với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Xuất bản (sửa đổi). Thường trực Ủy ban này cũng nhấn mạnh: “Việc sửa đổi Luật Xuất bản lần này phải tập trung vào những vấn đề cốt lõi nhằm hoàn chỉnh căn bản hành lang pháp lý để vừa giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn, vừa điều chỉnh được những quan hệ mới phát sinh trong hoạt động xuất bản, đồng thời tạo điều kiện để lĩnh vực xuất bản tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt nhiệm vụ định hướng văn hóa – tư tưởng và phát triển kinh tế- xã hội”.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật có phạm vi điều chỉnh tương đối toàn diện, bao gồm cả tổ chức và hoạt động của nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm. Do đó, Chính phủ đề nghị đổi tên Luật là Luật Xuất bản, In, Phát hành để tạo khung pháp lý thống nhất trong việc quản lý cơ sở in.
Tuy nhiên, đề nghị này của Chính phủ không nhận được sự đồng tình của cơ quan thẩm tra và nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan thẩm tra dự án Luật đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật Xuất bản (sửa đổi). Theo lí giải của Ủy ban này, khái niệm xuất bản đã bao hàm cả việc tổ chức và biên tập bản thảo lẫn việc in và phát hành xuất bản phẩm. Hoạt động xuất bản phải bao gồm cả ba khâu cấu thành, có quan hệ mật thiết với nhau là xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm. Quan niệm này đã được thể hiện nhất quán trong Luật Xuất bản hiện hành và khái niệm xuất bản đã được quy định thống nhất trong hệ thống pháp luật nước ta.
Về phạm vi điều chỉnh, Thường trực Ủy ban cho rằng, Luật Xuất bản chỉ điều chỉnh những vấn đề liên quan đến hoạt động xuất bản, bao gồm cả việc quản lý các cơ sở in để giám sát hoạt động in xuất bản phẩm cũng như phòng chống việc in xuất bản phẩm giả. Vì vậy, Luật này không điều chỉnh toàn diện hoạt động in các sản phẩm không phải xuất bản phẩm.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cũng chia sẻ nhận định trong Tờ trình của chính phủ rằng, thực tiễn quản lý hoạt động in rất phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực và trách nhiệm của các bộ, ngành khác nhau. Tuy vậy, theo ông, trên cơ sở tổng kết kết quả thực hiện Nghị định của Chính phủ về hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm, cần nghiên cứu xây dựng một luật riêng về in (nếu thấy cần thiết) để điều chỉnh đầy đủ, toàn diện hoạt động này chứ không thể ghép vào Luật Xuất bản chỉ với một số điều quy định đơn giản như trong dự thảo Luật.
Đồng tình với cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng không nên đổi tên Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý bày tỏ, cái khó nhất của Luật này là có đổi tên Luật thành Luật Xuất bản, in, phát hành hay không? Ông phân vân nếu đổi tên luật thì phạm vi điều chỉnh có thay đổi không và có nằm trong phạm vi sửa đổi Luật hiện hành không? Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, không nên đổi tên Luật.
Về quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhấn mạnh: Dự án Luật cần thể hiện quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động xuất bản; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước; thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng giữa trung ương, địa phương và cơ sở; thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản; thực hiện công khai minh bạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân... Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng các quy định về cấp giấy phép, thu phí, lệ phí trong Dự thảo Luật./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam