(NTO) 1) Ôn tập những gì?
Hãy viết ra danh sách những chủ điểm có thể đưa ra trong kỳ thi. Sau đó lập ra một sơ đồ những thứ bạn định sẽ ôn tập. Sẽ là không thực tế nếu bạn ôm đồm tất cả chi tiết các bài học. Khi chọn lọc chủ đề cần ôn tập hãy chú ý:
- Có những mảng kiến thức chủ chốt nào mà đề thi năm nào cũng ra?
- Mỗi bài thi có khoảng bao nhiêu dạng bài?
- Có những loại câu hỏi nào các năm trước đã ra mà năm nay vẫn có khả năng tiếp tục ra lại?
- Bạn thích thú và học khá môn nào nhất?
2) Thời gian ôn tập?
- Hãy quyết định xem bạn cần bao nhiêu ngày để học một môn. Nên đặt mục tiêu cụ thể và vừa phải để mang lại cảm giác vui mừng khi thực hiện được. Nếu đặt mục tiêu quá cao bạn sẽ dễ bị thất vọng và chán nản. Hãy thưởng cho mình mỗi khi làm tốt công việc.
- Nên đầu tư nhiều thời gian vào những môn bạn học yếu hơn. Hãy chia môn học đó thành nhiều phần nhỏ để dễ giải quyết. Việc tránh né chỉ làm bạn học kém hơn môn đó.
- Luôn luôn nhớ rằng bao giờ quá trình ôn thi cũng có 3 giai đoạn: học, hiểu và tự kiểm tra. Hãy phân bố thời gian hợp lý cho mỗi giai đoạn.
- Kế hoạch ôn tập của bạn nên được sử dụng một cách linh hoạt. Có những môn bạn có thể hoàn thành trước kế hoạch hoặc cần thêm thời gian cho những môn khó, nhiều bài tập. Hơn nữa, hãy nhớ nghỉ ngơi và thư giãn giữa các môn học.
3) Ôn tập như thế nào?
Bạn càng trực tiếp tác động và học tập môn học, làm cho nó thành kiến thức của bạn và liên hệ nó với kiến thức cũ thì môn học càng có ý nghĩa và dễ nhớ đối với bạn. Chiến lược sau đây sẽ rất có ích cho bạn:
- Đầu tiên hãy xem qua tài liệu, tập trung vào các bảng biểu, tiêu đề, tóm tắt và kết luận để có được cái nhìn tổng thể.
- Đặt ra câu hỏi hoặc những điểm quan trọng mà bạn hy vọng tìm ra câu trả lời trong bài đọc.
- Đọc tài liệu có chọn lọc và gạch ra giấy những ý chính.
- Tóm tắt ý chính bằng cách liệt kê những từ khóa, lập biểu đồ, sơ đồ, gắn kết ý trong bài với các nguồn khác.
- Tự kiểm tra bằng cách trích ra hoặc xem lại bài tóm tắt ngay sau khi đọc tài liệu hoặc sau những ngày giải lao.
Tạo sơ đồ hình cây có thể giúp bạn tiếp cận bài học ở nhiều góc độ khác nhau còn những ghi chép trong vở giúp bạn tư duy một cách tuyến tính. Hãy làm cho quá trình học trở nên dễ nhớ và sinh động bằng cách sử dụng các loại bút màu, bút đánh dấu và các từ khoá và hình vẽ.
4) Tự kiểm tra, đánh giá.
- Dùng các thẻ nhớ tóm tắt lại các con số và sự kiện quan trọng. Đặt chúng ở chỗ dễ nhìn nhất hoặc dán lên tường xung quanh phòng bạn.
- Thu thập và tập trả lời những câu hỏi của các kỳ thi trước. Có thể lúc đầu bạn cảm thấy lo lắng vì chưa biết phải làm thế nào. Tuy nhiên, hãy bình tĩnh và xem xét mối quan của những câu hỏi với kiến thức đã học. Chúng thuộc phần nào, chương nào, dạng bài tập nào, v.v... Sau đó liệt kê ngắn gọn những điểm bạn còn yếu hoặc chưa hiểu rõ. Những câu hỏi này sẽ giúp bạn nhận ra chỗ hổng kiến thức và chủ động tìm ra câu trả lời thay vì thụ động nhồi nhét một mớ kiến thức trong sách.
- Hãy tập trả lời các câu hỏi trong điều kiện như ở phòng thi. Nếu có thể, bạn hãy nhờ bạn bè hoặc thầy cô đặt ra câu hỏi và chấm điểm cho bạn. Nhiều học sinh viên ngại khâu tự kiểm tra này vì sợ đạt kết quả thấp. Tuy nhiên, thà biết được sự thật này và tìm cách khắc phục còn hơn là bị điểm kém sau kỳ thi chính thức!
5) Động lực học tập.
Suy cho cùng, điều quan trọng nhất vẫn là bạn có muốn ôn thi tốt hay không. Có nhiều học sinh cho rằng ôn thi chỉ là nghĩa vụ còn kết quả ra sao không quan trọng. Muốn có kết quả cao, bạn cần cố gắng hết sức và đặt mục tiêu để phấn đấu. Hãy nhớ rằng thi cử mang lại lợi ích và kết quả không cho ai khác mà là cho chính bạn!
Nguyễn Anh Linh