Thánh địa khoa học Dubna
"Dubna là thánh địa của các nhà vật lý làm việc trong lĩnh vực tổng hợp các nguyên tố siêu nặng” – viện sĩ VHLKH LB Nga Viktor Mateev, giám đốc JINR tuyên bố tại hội nghị các đại biểu thay mặt cho các quốc gia.
Nguyên tố siêu nặng 117 sẽ một lần nữa tái xuất hiện tại Dubna.
Theo trang mạng Khoa học và công nghệ LB Nga, nguyên tố Berkelium-249 cần thiết để tổng hợp nguyên tố 117 đã được Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge từ Mỹ chở đến Dimitrovgrad với lượng đủ để Viện nghiên cứu các lò phản ứng nguyên tử đặt tại đây gia công thành tấm bia nhỏ và cực mỏng dùng cho thí nghiệm sẽ được tiến hành tại JINR.
Đầu tháng tư, các bia chế tạo xong đã được chuyển giao cho Phòng thí nghiệm phản ứng hạt nhân mang tên Flerov. Thí nghiệm sẽ bắt đầu khi các nhà khoa học đặt tấm bia vào vị trí đón nhận sự bắn phá chùm tia từ máy gia tốc. Do thời gian sống của nguyên tố Berkelium-249 là 320 ngày., nên việc tổng hợp hạt nhân sẽ phải tiến hành liên tục cho đến cuối năm 2012.
Thành tựu xuất sắc của các nhà vật lý Nga
Đội ngũ các nhà vật lý Nga và Mỹ dưới sự hướng dẫn của viện sĩ Yuri Oganesian đã tổng hợp được nguyên tố hóa học số 117 vào mùa thu năm 2010 và công việc vẫn tiếp tục cho đến nay. Nguyên tố 117 thu được từ hồi đó vẫn có tên không chính thức là Ununseptium.
Trước đó nữa lần đầu tiên trên thế giới đã tổng hợp được các nguyên tố siêu nặng có các số thứ tự là 113, 114, 115, 116 và 118.
Tháng 12 năm 2010, tại JINR các nhà vật lý Nga hợp tác với các nhà vật lý Mỹ đã thu được 2 nguyên tố siêu nặng có số thứ tự là 114 và 116, với tên đề nghị là Flerovium (Fl) và Livermonium (Lv) để vinh danh nhà vật lý hạt nhân Georgi Flerov và Phòng thí nghiệm quốc gia Livermore mang tên Lawrence. Phòng thí nghiệm này đã từng cộng tác với JINR ở Dubna trong suốt 20 năm qua.
Việc tổng hợp thành công nguyên tố 117 được đánh giá là một trong những thành tựu chủ yếu của năm 2010.
Tổng hợp nguyên tố 117 ra sao?
Giải thích tại sao để tổng hợp nguyên tố 117 lại cần đến nguyên tố berkelium của Mỹ, Phó giám đốc Viện JINR Mikhain Itkis cho biết “Vấn đề là ở chỗ, để bắn phá vào bia, chúng tôi dùng một trong những đồng vị của Canxi có 20 proton. Để tổng hợp được nguyên tố mới có 117 proton, cần một nguyên tố có 97 proton. Chính Berkelium đáp ứng được điều này”. Tuy nhiên, “nó rất thất thường. Vì nó sống trung bình có 320 ngày thì phân rã.
Chỉ Mỹ mới sản xuất ra Berkelium. Nga cần có trong tay 25 miligam nguyên tố này. Viện nghiên cứu lò phản ứng tại Dimitrovgrad sẽ nhận lượng nguyên liệu nhỏ bé nhưng quan trọng ấy để làm ra tấm bia và giao cho JINR lắp lên máy gia tốc. Việc bắn phá nó bằng chùm đồng vị Canxi sẽ diễn ra trong 6 tháng liền với hy vọng thu được ít nhất 5 nguyên tử của nguyên tố 117. Cứ tạm coi là mỗi tháng một nguyên tố mới ấy”, ông Mikhain Itkis cho hay.
Nguồn VietNamNet