Là mẫu người năng động, chị Hà làm đủ công việc từ trồng bắp, mỳ, mía đến buôn bán nhỏ. Ở tuổi ngoài 30 chị đã tạo dựng được một cuộc sống khá ổn định. Tuy nhiên không bằng lòng với những gì đã có, chị luôn ấp ủ quyết chí làm giàu. Sau nhiều lần suy nghĩ, chị nhận thấy ở vùng núi không làm gì có lợi hơn trồng rừng.
Chị Lê Thị Hà dưới tán rừng keo lá tràm.
Khi dẫn người vào khu đồi trọc rộng 5 ha phát cỏ dại, trồng cây chị gặp nhiều cản trở từ phía người thân. Nhưng ý chị đã quyết thì không ai lay chuyển được. Tài chính hạn hẹp, nên vài ba tuần chị phải cho người làm công tạm nghỉ để đi “cầu cứu” anh em giúp đỡ. Đến lúc phát quang, đào lỗ để chuẩn bị trồng cây thì tiền cạn kiệt. Nhiều người khuyên chị nên lấy giống cây neem, cóc hành về trồng để giảm bớt chi phí, nhưng chị lại muốn trồng cây keo lá tràm. Chị phân tích: “Keo lá tràm không những phù hợp với vùng đất khô cằn, mà còn là nguyên liệu làm giấy rất dễ tiêu thụ”.
Để kịp xuống giống vào mùa mưa năm 2010, chị chỉ còn cách là thế chấp giấy nhà vay tiền ngân hàng, ra huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) mua 20 ngàn cây keo lá tràm (1.200 đồng/cây) về trồng trên 3 ha. Thấy loại cây này phát triển tốt, nên năm 2011 chị quyết định ươm 10 ngàn cây giống trồng thêm 2 ha nữa. Chị Hà tính toán: “1 kg hạt có giá 400 ngàn đồng, ươm được 12 ngàn cây, trong khi đi mua từng đó cây giống hết hơn 14 triệu đồng. Với cách làm này tiết kiệm được rất nhiều tiền”.
Gần đây nhiều bà con địa phương đến nhà chị hỏi mua giống cây keo lá tràm về trồng. Nhận thấy nhu cầu cây giống cao, đầu năm nay chị quyết định ươm thêm 10 ngàn cây nữa để mở rộng diện tích trồng rừng, đồng thời cung cấp giá rẻ để bà con cùng trồng rừng. Chị Hà, cho biết: “Kỹ thuật ươm giống không khó, nếu hộ nào cần tôi sẵn sàng chỉ dẫn cách thức”.
Hiện nay, 3 ha cây keo lá tràm trồng trước đây của chị đang trên đà phát triển, đã cao hơn 3m, chỉ khoảng 3 năm nữa là khai thác được. Chưa thể tính toán một cách cụ thể, nhưng khả năng nguồn lợi thu từ trồng rừng là không nhỏ. Chị vừa đầu tư thêm 100 triệu đồng làm chuồng trại, mua lưới rào quanh nuôi hàng chục con heo địa phương dưới tán rừng.
Với cách làm “lấy ngắn nuôi dài” như trên không bao lâu nữa chị Hà sẽ sở hữu những khu rừng xanh tốt. Đồng chí Nguyễn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chiến, cho biết: “Mô hình trồng keo lá tràm kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng của chị Hà là mô hình mới, lần đầu tiên được triển khai ở địa phương. Chúng tôi đang khuyến khích nhân rộng mô hình này để thực hiện chủ trương phát triển rừng ở địa phương”.
Anh Tùng