Nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp

Với mức tăng trưởng 4,1 %, sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm được các nhà quản lý xem là điều đáng lo ngại, bởi thông thường chỉ số này phải tăng trưởng gẫp rưỡi tăng trưởng của GDP. Khó khăn chủ yếu là khâu tiêu thụ hàng hóa.

 Nhận rõ khó khăn hiện tại

Theo Bộ Công Thương, trong sản xuất công nghiệp nói chung, ngành chế biến vẫn là khu vực gặp nhiều khó khăn nhất. Chỉ số sản xuất 3 tháng đầu năm của công nghiệp chế biến thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm 2011, trong số 32 nhóm hàng công nghiệp chế biến chính có 18 nhóm hàng có chỉ số sản xuất giảm như xi măng, sắt thép, sản xuất sợi và dệt vải.

Bà Mai Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết, điểm nổi bật của quý I là khó khăn trong tiêu thụ hàng hoá. Chẳng hạn, An Giang có 2 sản phẩm chủ lực là cá và lúa, nhưng do thị trường tiêu thụ khó khăn nên tác động trực tiếp đến sản xuất, quý I, tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ ở mức 0,99%, đạt 19% KH năm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cũng nhìn nhận, khó khăn mấu chốt trong sản xuất công nghiệp hiện nay là không tiêu thụ được hàng.

Tính đến nay, lượng tồn kho của một số loại sản phẩm như phân bón và hợp chất ni tơ, sắt thép, bia và mạch nha, cáp điện, sợi dệt vải tăng cao.

Bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho biết, sản xuất giảm nên áp lực cung cấp nguồn xăng dầu của Petrolimex 3 tháng đầu năm cũng giảm, sản lượng tiêu thụ giảm rõ rệt ở các khối sản xuất như giấy, đường, than, hiện chỉ còn 98% so với cùng kỳ.

Tập trung tháo gỡ ở khâu tiêu thụ

Theo Thứ trưởng Lê Dương Quang, năng lực sản xuất của ngành công nghiệp có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới, nhất là từ quý II, khi có nhiều công trình mới được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới cũng đã có dấu hiệu thuận lợi hơn, nợ công châu Âu đã qua điểm đáy, kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục.

Ông Lê Dương Quang đề nghị các tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội doanh nghiệp tập trung tìm kiếm thị trường, giải quyết việc tiêu thụ hàng hóa để duy trì và thúc đẩy sản xuất. Thương vụ Việt Nam tại các nước trên thế giới có kế hoạch cụ thể phối hợp với các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ việc mở rộng thị trường. Đối với thị trường trong nước, nỗ lực hơn trong phát triển hệ thống bán lẻ, có các giải pháp đưa hàng đến tay người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cần rà soát tiến độ các dự án đầu tư, đặc biệt chú ý tới các dự án đi vào hoạt động trong năm 2012.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu Sở Công Thương các địa phương, các cơ quan tham mưu của Bộ nắm bắt sớm tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về phía các địa phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Phạm Đức Tiến cho biết, mới đây, UBND TP Hà Nội đã dùng nguồn quỹ 60 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Sở sẽ kiến nghị thành phố tháo gỡ các thủ tục để tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn này.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Minh Hùng, UBND TP cũng đã vào cuộc triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Cụ thể là từ 1-4, TP bắt đầu triển khai chương trình bình ổn hàng hoá năm 2012 kéo dài đến hết Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 với nhiều doanh nghiệp tham gia hơn năm 2011. Cùng với chương trình này, Sở sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tập trung việc đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về các chợ truyền thống như là một nỗ lực mở rộng thị trường.

Nguồn www.chinhphu.vn