Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn ngân hàng

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp và ngân hàng tìm ra tiếng nói chung để cùng vượt qua những khó khăn hiện nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Giải pháp về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa góc nhìn từ ngân hàng”, tại Hà Nội, ngày 6/4.

 

Ảnh: Chinhphu.vn

Báo cáo về cảm nhận môi trường kinh doanh ở Việt Nam công bố gần đây cho thấy năm 2012 các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Vốn ngân hàng “khó gặp” doanh nghiệp nhỏ

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietinbank, cho biết tỷ lệ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng thường chỉ chiếm khoảng 30%.

Một trong những rào cản tiếp cận vốn tín dụng của DNNVV hiện nay là do năng lực tài chính hạn chế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì tỷ trọng DNNVV có vốn dưới 5 tỷ đồng vẫn chiếm đa số.

Tiếp đến là vấn đề quản trị nội bộ doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, hạn chế về năng lực, điều này thể hiện ở việc xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh, nhưng việc biến ý tưởng đó thành kế hoạch, dự án cụ thể lại rất hạn chế.

Ông Nguyễn Huy Quân, đại diện Công ty Dầu mỡ Chất đốt Quân Sen (Thái Bình), cho rằng ở các nước phát triển việc thẩm định vốn vay căn cứ nhiều vào thẩm định dự án đầu tư, nhưng hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam đều e ngại hình thức này và thường “nói không” với các doanh nghiệp nhỏ nếu không có tài sản đảm bảo.

Khảo sát gần đây của VCCI cho thấy 26% doanh nghiệp thiếu hụt thông tin thị trường, nên sản xuất kinh doanh dễ bị rủi ro, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc trả nợ ngân hàng.

Tuy nhiên, gần đây nhiều ngân hàng thương mại đã coi DNNVV là khách hàng tiềm năng, và thiết kế các gói sản phẩm dịch vụ dành riêng cho đối tượng khách hàng này.

Ông Lê Viết Hải, Phó Giám đốc Khối DNNVV của Ngân hàng Quân đội (MB), cho biết ngân hàng này đã và đang triển khai nhiều khoản vay tín chấp, không cần tài sản bảo đảm. Nhưng với các doanh nghiệp có doanh thu nhỏ khoảng từ 20 tỷ đồng/năm trở xuống, MB vẫn yêu cầu phải có tài sản đảm bảo.

Thực tế, khi có phương án khả thi, với lợi thế về thông tin lớn (ví dụ thông tin về các dự án cùng loại của các doanh nghiệp cạnh tranh, thông tin thị trường…), các cán bộ tín dụng của MB sẵn sàng cùng tham gia dự án đầu tư, cung cấp vốn.

Đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Mùi cần áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn của các ngân hàng.

Trước tiên các ngân hàng cần nhanh chóng phát triển đồng bộ các sản phẩm, vừa tăng cường huy động nguồn, tạo điều kiện cung cấp nguồn vốn cho DNNVV, đồng thời phát triển các sản phẩm ràng buộc, tạo điệu kiện để các DNNVV đang thiếu các điều kiện về tài sản bảo đảm vẫn có thể vay được vốn.

Việc kết hợp nhiều sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho các DNNVV cũng là một trong các cơ sở để hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp quản trị hiệu quả hơn, nắm bắt các điều kiện thị trường đầy đủ hơn, kịp thời hơn.

Các ngân hàng cũng có thể tăng cường tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ chính thức hoặc thông qua các chương trình, dự án của các tổ chức, tạo nguồn với lãi suất thấp...

Bên cạnh đó. có thể xem xét cơ cấu lại nợ, giãn nợ, ưu đãi tín dụng cho các DNNVV kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu những doanh nghiệp này chứng minh được các nguồn thu để trả nợ ngân hàng; phát triển hình thức thuê tài chính để giúp doanh nghiệp nhanh chóng đổi mới công nghệ.

Về phía DNNVV, ngoài các vấn đề về phân tích, tìm hiểu thị trường, các cơ chế chính sách hội nhập cần phải chủ động đổi mới hệ thống quản trị nội bộ, tăng cường công tác phân tích, lập kế hoạch chiến lược, tăng cường quản lý tài chính... vừa chủ động tìm kiếm, nắm bắt, hiện thực hóa cơ hội, đồng thời củng cố các điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn.

Doanh nghiệp cần chủ động trong việc xây dựng dự án, phương thức đầu tư phù hợp với năng lực về vốn, công nghệ và con người. Đặc biệt là cần phải minh bạch vấn đề tài chính để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, giảm thiểu chi phí, rủi ro cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.

Về phía cơ quan quản lý, bà Đỗ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cung ứng vốn qua nghiệp vụ thị trường mở và nghiệp vụ tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để điều tiết vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, nhằm tạo điều kiện tối đa để những DNNVV được ưu tiên về vốn vay.

Về hình thức cho vay không có tài sản đảm bảo, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những quy định nhưng thực hiện triển khai đến đâu thuộc thẩm quyền của các Ngân hàng thương mại.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu các tỷ lệ cho vay phù hợp đối với các đối tượng không khuyến khích như cho vay tiêu dùng, vay mua nhà ở và loại trừ thêm các đối tượng nằm trong diện này.

Ngoài ra, nếu điều kiện vĩ mô cho phép việc hạ lãi suất cơ bản như kế hoạch thì đến cuối năm 2012, mức lãi suất huy động sẽ còn 10-11%/năm, lãi suất cho vay cũng sẽ giảm tương ứng tạo điều kiện cho doanh nghiệp đặc biệt là DNNVV tiếp cận được nguồn vốn vay.

Nguồn www.chinhphu.vn