Vận động HS đến trường, giảm tỉ lệ bỏ học, lưu ban ở các cấp học được xem là nhiệm vụ quan trọng đối với ngành Giáo dục và các địa phương. Để làm được điều này cần sự chung tay phối hợp có hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội; trong đó vai trò của nhà trường, của mỗi thầy, cô giáo cần được khẳng định.
Trường THCS Trương Văn Ly (Phước Diêm, Thuận Nam) huy động mọi nguồn lực xã hội
nâng cao chất lượng dạy và học góp phần đẩy lùi tình trạng bỏ học. Ảnh: Sơn Ngọc
Qua nắm bắt tình hình HS bỏ học, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là: Phụ huynh thiếu quan tâm, động viên, hỗ trợ việc học tập của các em, có tâm lý phó mặc, ỷ lại vào nhà trường, chưa có sự hợp tác nhiệt tình với nhà trường trong việc quản lý học tập của con em mình. Một số HS không có ý thức, mục đích học tập, kết quả học tập quá kém không theo được lớp, phải lưu ban dẫn đến chán nản rồi bỏ học. Nhiều trường chưa sâu sát, chưa đánh giá đúng chất lượng giáo dục, vẫn còn tình trạng chạy theo thành tích để có tỉ lệ lên lớp cao; tình trạng “ngồi nhầm lớp” vẫn chưa được khắc phục triệt để… Chính những điều này đã làm cho các em vốn mất căn bản, nay càng mất căn bản thêm và thiếu ý thức phấn đấu vươn lên, do đó chán học, bỏ học…
Để hạn chế HS bỏ học, nhà trường cần tiếp tục duy trì phối hợp với gia đình để quản lý, giáo dục HS trong từng tuần, từng tháng, gắn trách nhiệm của gia đình đối với việc con em tới trường. Thường xuyên thông báo về cho gia đình quá trình tham gia học tập của HS, các trường cần có mẫu “phiếu phối hợp” riêng để gửi cho gia đình HS với những nội dung: Điểm học tập của các môn học văn hoá đã được đánh giá, quá trình rèn luyện, số ngày nghỉ (có phép, không phép) kể cả các buổi học văn hoá chéo buổi; tham gia học hướng nghiệp, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, … Sau khi nắm bắt tình hình, phụ huynh HS ký xác nhận và gửi lại cho trường thông qua giáo viên chủ nhiệm theo thời gian quy định. Hiệu trưởng nhà trường tăng cường công tác chủ nhiệm, đi sâu, đi sát nắm bắt hoàn cảnh của từng gia đình HS, báo cáo định kỳ với lãnh đạo nhà trường. Thực ra, công việc này đã được nhiều trường thực hiện, nhưng ở đây muốn nhấn mạnh đó là việc cần duy trì đều đặn để phát huy tối đa mối liên hệ giữa nhà trường với gia đình.
Mặt khác, đối với những trường có HS dân tộc thiểu số theo học, thì cán bộ quản lý, giáo viên ngoài tiếng Việt cũng cần phải biết tiếng dân tộc thiểu số để thuận lợi khi làm nhiệm vụ vận động HS trở lại trường lớp học tập. Tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của HS, với các yêu cầu: bám sát chương trình theo chuẩn kiến thức và kĩ năng, dạy học linh hoạt và phù hợp với từng đối tượng học sinh, từng địa phương; quan tâm bồi dưỡng các em học yếu…
Đối với mỗi địa phương-nơi có trường học, Ban giám hiệu nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức như: Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh,… thông qua các tổ chức này nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân địa phương về sự cần thiết đến lớp của con em, về công tác xây dựng xã hội học tập. Nếu có HS bỏ học, nhà trường phải liên hệ với các tổ chức để vận động gia đình, khuyên bảo học sinh tiếp tục đến trường. Nhà trường cùng với địa phương thành lập và duy trì các quỹ khuyến học, khuyến tài, nhằm giúp đỡ con em địa phương vượt khó học tập.
Dưới sự chỉ đạo của Ban giám hiệu, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh cần tổ chức các hoạt động xã hội gắn với cuộc sống văn hoá tinh thần ở các địa phương, tạo môi trường sinh hoạt bổ ích cho các em; đây cũng là một nội dung mà toàn ngành Giáo dục đang tích cực hưởng ứng “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tổ chức Đoàn, Đội cũng cần xây dựng và nhân rộng mô hình “đôi bạn cùng tiến”; tổ chức các cuộc thi về kiến thức, kỹ năng phù hợp với độ tuổi để thu hút HS tham gia; thực hiện tốt phương châm “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”…
Như vậy, việc giảm HS bỏ học, lưu ban trong thời gian tới sẽ có hiệu quả khi vai trò của các tổ chức trong nhà trường, vai trò của giáo viên được phát huy một cách đồng bộ, có trách nhiêm. Việc duy trì sĩ số, hạn chế HS bỏ học, lưu ban là nhiệm vụ quan trọng, phải được quan tâm thường xuyên của ngành Giáo dục, của các nhà trường; tỷ lệ tốt nghiệp ở các cấp học cao chỉ có giá trị khi tỷ lệ HS lưu ban, bỏ học thấp. Thiết nghĩ, làm tốt điều này cũng có nghĩa là chúng ta đang giảm dần sự cách biệt về trình độ dân trí, chất lượng giáo dục ở các vùng, miền-một vấn đề đang được các cấp quản lý, các địa phương quan tâm.
Lê Thế Kỷ