Trong chặng đường nhìn lại 20 năm phát triển của tỉnh nhà, một ngày cuối tháng 3 chúng tôi về lại vùng đất anh hùng Vĩnh Hải mà không khỏi bỡ ngỡ trước sự đổi thay toàn diện của địa phương. Nếu ở thời điểm cuối những năm 1990, Vĩnh Hải vẫn còn là vùng đất nghèo lạc hậu, điện, nước, cơ sở thiếu thốn, người dân của xã chỉ dựa vào vài ha cây trồng như bắp, đậu xanh và rừng để làm ăn, thì đến nay toàn xã Vĩnh Hải đã có trên 21ha lúa nước, 81 ha nho, hơn 90 ha cây hành, tỏi và hàng chục diện tích cây trồng, hoa màu khác.
Vĩnh Hy, nơi có phong trào cách mạng đầu tiên của xã Vĩnh Hải.
Ảnh: Văn Miên
Hàng năm tổng sản lượng lương thực luôn đạt mức trên 1.200 tấn. Nghề đánh bắt hải sản chuyển từ câu tay, đi ghe truyền thống, nay đã có nhiều tàu thuyền công suất lớn. Hiện toàn xã có gần 150 tàu thuyền với tổng công suất 2.648 CV đang hoạt động rất hiệu quả. Ngoài ra, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản cũng có hướng phát triển khá tốt, góp phần nâng cao cuộc sống của nhân dân. Nhờ năng động, biết phát huy thế mạnh của địa phương và kết hợp triển khai hiệu quả những dự án, chương trình của TW, tỉnh đầu tư, nhiều năm qua, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương luôn đạt và vượt kế hoạch. Riêng năm 2011, xã có 8/8 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng sản lượng lương thực đạt 107,4%, khai thác, đánh bắt thủy sản đạt 127,2%, thu ngân sách 371 triệu đồng, đạt 285%... “Điểm đáng mừng của xã Vĩnh Hải là hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi đã đầy đủ hơn rất nhiều, góp phần lớn thay đổi bộ mặt nông thôn và đảm bảo đời sống cho nhân dân.
Chị Phạm Thị Hàn Ni ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải thu hoạch nho đạt năng suất cao
giúp cải thiện đời sống gia đình. Ảnh: Văn Miên
Đồng bào Raglai thuộc khu vực hai thôn Đá Hang – Cầu Gãy, qua các chương trình, dự án giảm nghèo cũng từng bước áp dụng được khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống vươn lên tự thoát nghèo. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 6,7%, so với gần 20% năm 2006”-Đồng chí Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết. Hiện nay, toàn xã có rất nhiều công trình đã được đầu tư xây dựng và đưa vào phục vụ cho lợi ích nhân dân như hồ Nước Ngọt, đường giao thông từ tỉnh lộ 702 đi các thôn, đường du lịch vào Bãi Rùa, đường dọc suối Lồ Ồ, công trình nhà máy nước sinh hoạt tại thôn Thái An và công trình xây dựng kè chắn sóng ven biển…
Công trình thủy lợi hồ Nước Ngọt có sức chứa 1,5 triệu mét khối nước được Nhà nước
đầu tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân xã Vĩnh Hải.
Ảnh: Sơn Ngọc
Phát huy truyền thống cách mạng, kiên cường, chịu gian khổ hy sinh trong chiến tranh, nay người dân Vĩnh Hải lại tiếp tục đồng lòng hơn trong công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước. Tiêu biểu là sự đồng thuận cao của bà con thôn Thái An chấp nhận di dời nhường đất cho dự án Nhà máy Điện Hạt nhân 2 tại tỉnh ta. “Không riêng tôi mà đa số bà con của thôn Thái An này đều đồng lòng cùng chủ trương của Đảng và Nhà nước khi đầu tư các dự án chương trình mang lại hiệu quả cho đất nước, cho nhân dân.”- Ông Nguyễn Khắc Tấn, một trong những hộ dân nằm trong vùng dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân 2 tại thôn Thái An phấn khởi cho biết.
Nhân dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải xem công bố quy hoạch Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Ảnh: Sơn Ngọc
20 năm - một chặng đường ngắn ngủi so với lịch sử đấu tranh của dân tộc. Ninh Thuận đã có những bước thay đổi đáng mừng. Riêng vùng đất anh hùng Vĩnh Hải là dấu ấn của cả một chặng đường xây dựng và phát triển. Rời Vĩnh Hải, dọc theo tuyến đường ven biển đang được tập trung thi công xây dựng về Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, ngắm các công trình đang được xây dựng, các khu nhà xây san sát, cùng các mảnh vườn... đang vào vụ... Tin rằng, trong tương lai, Vĩnh Hải sẽ đổi mới hơn nữa, trù phú hơn nữa, xứng đáng với vùng đất anh hùng – anh hùng trong đấu tranh giải phóng quê hương, anh hùng trong xây dựng quê hương giàu mạnh.
Nguyễn Sơn