Báo điện tử Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn của đồng chí Nguyễn Chí Dũng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ;
Kính thưa các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh bạn;
Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động;
Kính thưa các vị khách quý, các vị đại biểu, cùng toàn thể nhân dân!
Hôm nay trong khí thế hào hùng của những ngày Tháng Tư lịch sử và trên vùng đất của quê hương Ninh Thuận anh hùng; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, 37 năm giải phóng Ninh Thuận, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Thay mặt Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi đến đồng chí Phó Thủ tướng, các vị khách quý, các vị đại biểu cùng toàn thể nhân dân lời chúc tốt đẹp nhất.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh
đọc diễn văn ôn lại truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng
và chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Kính thưa các vị đại biểu và toàn thể nhân dân!
Nhìn suốt chiều dài lịch sử của quê hương Ninh Thuận, vùng đất cực Nam Trung Bộ luôn thiếu mưa thừa nắng nhưng cũng rất phong phú và đầy sắc màu; chính vùng đất này với thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt đã tôi luyện nên con người Ninh Thuận có ý chí kiên trung, lòng quả cảm, khát vọng vươn lên để duy trì sự sinh tồn và phát triển. Thật vậy, qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân tỉnh Ninh Thuận đã làm nên những chiến công huyền thoại như “Bẫy đá Pi-năng Tắc”, CK7, CK19, CK22, CK35 cùng nhiều tấm gương hy sinh ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của đồng bào, chiến sĩ đã được các thế hệ tôn vinh và khắc ghi. Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân Ninh Thuận cùng với bộ đội chủ lực phá tan “lá chắn thép” Du Long, giải phóng quê hương Ninh Thuận vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 16 tháng 4 năm 1975, tạo thế mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng ấy đã góp phần làm cho non sông thu về một mối, quê hương Ninh Thuận được nở hoa độc lập, kết trái tự do, mãi mãi là niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân Ninh Thuận, xứng đáng là quê hương anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Trong giờ phút long trọng này, chúng ta thành kính tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc, Người đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ vinh quang. Xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã anh dũng chiến đấu hy sinh, hiến trọn đời mình cho Ninh Thuận được an bình và tươi đẹp hôm nay.
Kính thưa các vị đại biểu và toàn thể nhân dân!
Cũng ngày này, cách đây 20 năm về trước, ngày 1-4-1992, tỉnh Ninh Thuận chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. Những ngày đầu với bộn bề khó khăn, thách thức của một tỉnh mới tái lập, xuất phát điểm nền kinh tế thấp, chậm phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém và hầu như chưa có gì, giao thông bị chia cắt; hồ đập, kênh mương thủy lợi chưa được đầu tư, nguồn nước cho tưới tiêu và sinh hoạt không đáp ứng được nhu cầu; cơ cấu kinh tế lạc hậu; thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách thấp; đời sống của nhân dân còn vô cùng khó khăn, nhất là vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu đói giáp hạt.
Trải qua chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, cùng với cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, cùng với ý chí phấn đấu, khát khao cống hiến, tạo ra sự khác biệt, giá trị mới cho sự phát triển; đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Thuận đã nỗ lực phát huy tốt truyền thống cách mạng anh hùng, đoàn kết vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, biến tiềm năng, lợi thế thành lực lượng vật chất từng bước tạo nên diện mạo mới của quê hương Ninh Thuận.
Tăng trưởng kinh tế hàng năm đều tăng, giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 20 năm qua tăng 8,4%/năm; giai đoạn 10 năm đầu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,4%, giai đoạn 10 năm sau tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,3%.
Năm 2011, là năm phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, đạt 10,6%; rút ngắn nhanh khoảng cách so với cả nước, từ vị trí những tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước ở những năm đầu mới tái lập tỉnh, đã tăng lên mức 50% năm 2008 và tăng lên 60% vào năm 2011. Nổi bật, thu ngân sách từ vài chục tỷ đồng của năm 1992, tăng lên 340 tỷ đồng vào năm 2008, và nhất là trong những năm gần đây thu ngân sách tăng khá nhanh, năm 2011 là năm đầu tiên đã vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ đồng, đạt 1.200 tỷ đồng, tăng gấp 35 lần so với năm 1992, từ vị trí thứ tư của các tỉnh có mức thu thấp nhất cả nước năm 2008 đã nâng lên vị trí thứ 13 vào năm 2011.
Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, chuyển đổi nền kinh tế từ thuần nông từng bước phát triển theo hướng công nghiệp và dịch vụ; tỷ trọng ngành nông-lâm-ngư nghiệp giảm từ 54,8% năm 1992 xuống 43,1% năm 2011; công nghiệp, xây dựng tăng từ 15,8% lên 21,9% và các ngành dịch vụ tăng từ 29,4% lên 35% trên tổng GDP của tỉnh.
Tiềm năng và lợi thế của tỉnh được đánh giá đúng mức, nhất là kinh tế biển, nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn và các lợi thế mới về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm; môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện rõ nét, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được nâng lên, từ vị trí trung bình thấp năm 2006 lên nhóm khá vào năm 2010, hình ảnh, thương hiệu và vị thế mới của tỉnh từng bước được tạo dựng và nâng lên, tạo ra làn sóng đầu tư mới, là các tập đoàn kinh tế lớn, các tổng công ty trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu, đăng ký đầu tư với nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn, mở ra nhiều triển vọng mới, là động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được cải thiện đáng kể, nhiều công trình hồ chứa nước quy mô lớn được hoàn thành, đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sản xuất; các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu về cấp điện, giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện được tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, nhiều tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, giao thông nông thôn, miền núi đầu tư hoàn thành, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa và đi lại thông suốt giữa các vùng miền, phá thế chia cắt của những năm đầu mới tái lập tỉnh. Hạ tầng đô thị được quy hoạch và đầu tư đồng bộ hơn, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm được công nhận đô thị loại III vào năm 2007.
Sản xuất nông-lâm nghiệp đạt nhiều thành tựu, phát triển khá toàn diện, tăng cả về quy mô, năng suất và hiệu quả, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,5%/năm, riêng giai đoạn 2006-2010 tăng 9,5%/năm. Tập trung đầu tư các công trình thủy lợi trọng điểm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất tập trung phục vụ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị sản xuất/ha, đất chủ động tưới đạt bình quân 55 triệu đồng/ha, có nơi đạt trên 100 triệu đồng/ha; Công tác trồng rừng và bảo vệ rừng triển khai thực hiện tốt và được Chính phủ thành lập 2 Vườn quồc gia diện tích trên 40 ngàn ha.
Thủy sản có tốc độ tăng trưởng khá cao, giá trị sản xuất giai đoạn 1992-2011 tăng bình quân 11,5%/năm, nổi bật là chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất giống cả nước được thực hiện có kết quả, quy mô sản xuất giống thủy sản được mở rộng trên 12 tỷ con giống/năm, tăng 35 lần so với năm 1992. Cơ sở hạ tầng nghề cá được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn, năng lực tàu cá tăng nhanh theo hướng đóng mới tàu đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ quốc phòng - an ninh trên biển, so với năm 1992, số lượng tàu cá tăng gấp 2,5 lần, sản lượng khai thác hải sản tăng gấp 4,6 lần.
Lĩnh vực công nghiệp phát triển khá, giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân 14,2%/năm, đã hình thành một số ngành công nghiệp tỉnh có lợi thế với nhiều dự án sản xuất có quy mô lớn đang được triển khai, sẽ là tiền đề quan trọng để tạo tăng trưởng bứt phá của ngành công nghiệp trong giai đoạn tới như các dự án chế biến tôm xuất khẩu; sản xuất muối cao cấp quy mô 200 ngàn tấn/năm, chế biến Titan công suất 60.000 tấn xi/năm; nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã được chấp thuận chủ trương địa điểm hoặc đã cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Lĩnh vực thương mại-dịch vụ có chuyển biến tích cực; tiềm năng, lợi thế về du lịch được phát huy đúng mức; đã hoàn thành quy hoạch phát triển 5 khu du lịch biển và đang tập trung triển khai một số dự án đầu tư quy mô lớn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao, trong đó có một số dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với các loại hình du lịch khác biệt, có tính cạnh tranh cao sẽ thúc đẩy phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh trong giai đoạn tới.
Cùng sự phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin tuyên truyền và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được chọn lọc, phát triển. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo đạt được những tiến bộ mới theo hướng toàn diện.
Cơ sở vật chất phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân được mở rộng, tăng cường. Đến năm 2011, bình quân có 23 giường bệnh/1 vạn dân; bình quân có 5, 6 bác sĩ/1 vạn dân; 40% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Văn hóa, thể dục- thể thao phát triển mạnh và đạt nhiều thành tích. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng.
Công tác xóa đói, giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, được mọi tầng lớp nhân dân tham gia với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Những kết quả đó, đã làm thay đổi cuộc sống của nhân dân, nhất là những vùng khó khăn. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,48% năm 2010 xuống còn 13,52% (theo chuẩn mới)
Thành quả phát triển kinh tế kết hợp với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; theo đó đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả làm cho chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt, lòng tin vào Đảng và Nhà nước được nâng lên, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân đối với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương, chính sách của địa phương.
Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được mở rộng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng - an ninh; thường xuyên chăm lo, xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp được nâng lên. Tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt nhiều kết quả; tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, khơi dậy phong trào thi đua yêu nước trong toàn xã hội. Công tác tập hợp, vận động quần chúng của MTTQ và các đoàn thể ngày càng hiệu quả; mối đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc ngày càng được tăng cường, góp phần vào sự ổn định, phát triển của địa phương.
Kính thưa các vị đại biểu và toàn thể nhân dân!
Chặng đường 20 năm chưa phải là dài, song đối với một tỉnh có xuất phát điểm thấp, các điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn như Ninh Thuận thì những thành quả đã đạt được là rất đáng trân trọng, đó là kết quả của quá trình phấn đấu không ngừng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, với tinh thần kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang của quê hương, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Và hôm nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận được vinh sự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, đó là phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng.
Trong niềm vui phấn khởi của ngày lễ kỷ niệm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Ninh Thuận, xin trân trọng cảm ơn Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, giúp đỡ, đầu tư cho tỉnh Ninh Thuận trong nhiều thập kỷ qua. Cảm ơn các tổ chức, cá nhân và con em quê hương Ninh Thuận trên mọi miền đất nước và ở nước ngoài đã chung tay, góp sức cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy sự nghiệp đổi mới và phát triển của quê hương.
Xin trân trọng gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với nước, các gia đình liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ, công nhân, viên chức, lao động và nhân dân trong toàn tỉnh tình cảm quý trọng và lòng biết ơn sâu sắc nhất.
Bước sang giai đoạn mới, đứng trước những thời cơ và thách thức mới, phát huy thành tựu 20 năm tái lập tỉnh, để phát triển kinh tế-xã hội đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các tỉnh trong khu vực và cả nước, với mục tiêu: “Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai”; phát triển kinh tế- xã hội theo mô hình kinh tế “xanh”. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2020 bình quân 18-19%/năm; GDP/người vào năm 2015 đạt 1.400 USD bằng 70% và đến năm 2020 đạt 2.800 USD, bằng 85% mức trung bình của cả nước; tỉnh đã và đang tập trung triển khai 4 khâu đột phá đó là:
Một là, tỉnh xác định trước hết cần phải có chiến lược, quy hoạch tốt, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, để đón nhận những giá trị mới, những cơ hội mới của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mang lại, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận đã mạnh dạn thuê tư vấn nước ngoài là Tập đoàn Monitor của Mỹ và Arup của Anh lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phệ duyệt, đã tổ chức thành công Hội nghị Công bố quy hoạch kết hợp xúc tiến đầu tư vào tỉnh nhằm huy động tốt nhất các nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch.
Hai là, cải cách hành chính: Với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, mà trọng tâm là đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, thành lập và đưa vào hoạt động Văn phòng Phát triển Kinh tế, đây là mô hình mới đầu tiên trong cả nước thực hiện theo “cơ chế một cửa liên thông” trong lĩnh vực đầu tư, được xây dựng theo mô hình kinh tế của Singapore. Các nhà đầu tư khi đến Ninh Thuận chỉ tiếp xúc với một đầu mối là Văn phòng Phát triển Kinh tế để thực hiện các thủ tục đầu tư từ khâu chấp thuận chủ trương địa điểm đến khi triển khai thực hiện dự án đầu tư.
Ba là, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng tạo kết nối khai thác lợi thế của vùng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà trọng tâm là đầu tư tuyến đường ven biển dài 116 km, phấn đấu hoàn thành toàn bộ tuyến đường vào năm 2013; đây là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tỉnh, trước hết là phục vụ xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời qua đó sắp xếp, bố trí lại dân cư vùng ven biển để phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh vùng biển và nhất là khai thác tiềm năng đất đai ven biển để thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế - xã hội của địa phương.
Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai các chương trình, đề án đào tạo nhân lực của tỉnh với nhiều hình thức linh hoạt, thuê chuyên gia nước ngoài đào tạo tại chỗ và đào tạo ở nước ngoài cho cán bộ, công chức về kiến thức quản lý kinh tế, ngoại ngữ; đồng thời xúc tiến mời gọi các cơ sở đào tạo có uy tín, có thương hiệu đầu tư thành lập các cơ sở đào tạo tại tỉnh, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên một số lĩnh vực tỉnh có lợi thế.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các tổ chức Đảng sát hợp với nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị, nhất là triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn; quyết tâm đưa Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vào cuộc sống; gắn với đẩy mạnh việc học tập và tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền; các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị cần tập trung hướng về cơ sở, phát huy sức mạnh và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh.
Kính thưa các vị đại biểu và toàn thể nhân dân!
Ninh Thuận là vùng đất trung kiên trong kháng chiến, với những con người dạt dào tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần quả cảm, cần cù, chịu khó, không tự bằng lòng với những thành tựu và kết quả đã đạt được, luôn có ý chí khát vọng vươn lên, đó là nền tảng và động lực quan trọng tạo nên những chiến công rực rỡ trong mỗi chặng đường cách mạng của tỉnh Ninh Thuận. Hai mươi năm tái lập tỉnh là một mốc son, đánh dấu sự phấn đấu bền bỉ, ý chí vượt lên mọi thách thức, khó khăn của Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận. Chúng ta tự hào về vùng đất Ninh Thuận thân yêu đang chuyển mình mạnh mẽ, hứa hẹn những bước tiến đột phá trên con đường tiếp tục đổi mới và phát triển. Phấn khởi trước những thành tựu to lớn sau 20 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận càng ý thức sâu sắc trách nhiệm, nêu cao ý chí quyết tâm chính trị, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, ra sức phát huy lợi thế, tiềm năng, đẩy lùi khó khăn, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp; nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; tập trung trí tuệ, nguồn lực giải quyết đồng bộ các vấn đề quan trọng, cấp bách đang được đặt ra; phát triển mạnh mẽ văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường quốc phòng địa phương; mở rộng công tác đối ngoại; củng cố vững chắc hệ thống chính trị.
Kính thưa các vị đại biểu và toàn thể nhân dân!
Chặng đường phía trước đang mở ra cho Ninh Thuận nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức. Từ diễn đàn trọng thể này, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh, chúng tôi kêu gọi các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang của con người và quê hương Ninh Thuận; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước làm thôi thúc lòng người, đẩy lên đỉnh cao để xuất hiện nhiều hơn nữa những điển hình mới, giá trị mới, tạo tiền đề, cơ sở thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu: “Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai”.
Tôi tuyệt đối tin tưởng rằng, với những điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” hiện nay, cùng với truyền thống yêu nước nồng nàn, với trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng tiến công, Ninh Thuận sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, tạo nên một bước phát triển mới trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn và xin gửi đến đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, các tỉnh bạn, các vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể nhân dân lời kính chúc sức khỏe, đoàn kết và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!
(*) Tựa đề của Báo Ninh Thuận.