(NTO) Ninh Thuận được tái lập vào ngày 1-4-1992, công tác xây dựng Đảng (XDĐ) nói chung và công tác tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), đảng viên (ĐV) nói riêng có nhiều chuyển biến tiến bộ, góp phần vào sự nghiệp chung của tỉnh nhà sau 20 năm tái lập.
Nếu đầu năm 1992 toàn tỉnh có 8 đảng bộ huyện, thị xã, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, với 210 TCCSĐ và 2.965 ĐV, thì đến tháng 3-2012, toàn tỉnh đã có 12 đảng bộ huyện, thành phố, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, với 463 TCCSĐ và 12.838 ĐV. Như vậy, chặng đường qua 20 năm tái lập tỉnh Đảng bộ tăng 4 đơn vị; số TCCSĐ tăng 253 và số lượng ĐV tăng 9.873 đồng chí.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao cờ cho các chi, đảng bộ
đạt trong sạch, vững mạnh 5 năm liền tại Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2011.
Ảnh: Văn Miên
Từ những số liệu trên cho thấy công tác xây dựng, củng cố TCCSĐ và công tác ĐV được các cấp ủy Đảng quan tâm. Số TCCSĐ đã phát triển đều khắp ở tất cả các xã, phường, thị trấn, trường học, bệnh viện và trong các cơ quan doanh nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn toàn tỉnh. Số lượng ĐV đông gấp 4 lần so với đầu năm 1992, thể hiện sự trưởng thành, phát triển nhanh về số lượng cũng như chất lượng TCCSĐ và đội ngũ ĐV.
Công tác phát triển ĐV mới cũng được nâng cao. Nếu trong năm 1992, toàn tỉnh kết nạp được 118 ĐV mới thì năm 2011 toàn tỉnh kết nạp được 872 ĐV mới; tăng gấp hơn 7 lần so với năm 1992. Điều đó khẳng định chúng ta đã thực hiện tốt quan điểm “ở đâu có quần chúng thì ở đó cần có ĐV và ở đâu có tổ chức thì ở đó cần có tổ chức Đảng để lãnh đạo”.
Cùng với xây dựng và phát triển kinh tế, ổn định chính trị-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng TCCSĐ trong chặng đường 20 năm tái lập tỉnh đã góp phần tích cực làm cho bức tranh toàn cảnh của tỉnh nhà thêm nhiều điểm nhấn quan trọng. Đó là các xã, phường, thị trấn đã thành lập Đảng bộ cơ sở, hầu hết các thôn, khu phố đã có chi bộ; các cơ quan hành chính, sự nghiệp từ cấp huyện đến cấp tỉnh, một số đơn vị có đông ĐV đã thành lập Đảng bộ cơ sở, còn chủ yếu là chi bộ cơ sở. Đối với các doanh nghiệp, thời gian qua do thực hiện chủ trương cổ phần hóa một bộ phận doanh nghiệp nhà nước nên số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm dần chuyển thành công ty TNHH một thành viên và hình thành doanh nghiệp tư nhân, do đó các doanh nghiệp có đông ĐV cũng đã thành lập đảng bộ cơ sở, số doanh nghiệp còn lại chủ yếu là chi bộ cơ sở. Đối với các đơn vị sự nghiệp như trường trung học phổ thông, viện nghiên cứu và các trung tâm y tế huyện, đa số thành lập đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ huyện. Các trường tiểu học thành lập chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã, phường, thị trấn. Tổ chức Đảng trong lực lượng vũ trang: Công an, Quân sự, Biên phòng ở cấp huyện thành lập Đảng bộ cơ sở trực thuộc huyện, thành ủy, ở cấp xã có chi bộ quân sự, ở cấp phường, thị trấn có chi bộ Công an trực thuộc đảng ủy phường, thị trấn. Ở các ban, phòng thuộc Công an tỉnh, Biên phòng tỉnh và Quân sự tỉnh một số thành lập Đảng bộ cơ sở còn lại là chi bộ cơ sở. Đối với Trung đoàn 896 còn có đảng bộ bộ phận, dưới có các chi bộ trực thuộc.
Các chức danh cán bộ chủ chốt từ cấp xã, phường, thị trấn đến cán bộ quản lý lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc chính quyền từ cấp huyện, tỉnh đến cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp, các trường học, bệnh viện, các đơn vị lực lượng vũ trang… đều là ĐV. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh kết nạp được hơn 650 ĐV mới làm thay đổi cơ cấu và phân bổ ĐV đều khắp từ thôn, khu phố đến các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang… Tỷ lệ ĐV là nữ chiếm gần 40% tổng số ĐV toàn tỉnh, ĐV là dân tộc thiểu số, tôn giáo tăng lên qua các năm; ĐV trong độ tuổi đoàn viên, thanh niên chiếm tỷ lệ gần 60%.
Chúng ta rất tự hào với hơn 12 ngàn ĐV trong hàng ngũ của Đảng, gồm những người ưu tú, thể hiện phẩm chất chính trị vững vàng. Số đông ĐV giữ được đạo đức, phẩm chất cách mạng, gắn bó với nhân dân, được rèn luyện, trưởng thành trong lao động, công tác, học tập, trên các mặt công tác của đời sống xã hội; có trình độ, kiến thức và năng lực quản lý, điều hành ngày càng được nâng cao, thể hiện quyết tâm chính trị, đưa Ninh Thuận vững bước đi lên trên con đường đổi mới do Đảng lãnh đạo.
Mặc dù còn nhiều khó khăn của một tỉnh nhỏ, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiên tai, hạn hán liên tiếp xảy ra, nhưng công tác xây dựng TCCSĐ và phát triển ĐV mới đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, mang đầy sức trẻ của tuổi 20. Bước sang chặng đường của những năm tiếp theo, công tác xây dựng TCCSĐ và ĐV còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ ĐV để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Trước mắt, thực hiện tốt việc quán triệt học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay”, đang được xem là những vấn đề cấp bách, cần làm ngay.
Lê Thị Chinh
• Đồng chí Nguyễn Thị Minh Trang, cán bộ hưu trí phường Kinh Dinh, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm:
Cách đây 20 năm, sau khi tái lập tỉnh được nửa tháng, tôi về nhận nhiệm vụ tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Vào thời điểm ấy, đội ngũ cán bộ ở tỉnh ta còn thiếu nhiều, hầu hết các đồng chí mới bổ sung chưa có nhiều kinh nghiệm. Thị xã Phan Rang - Tháp Chàm với cơ sở hạ tầng cũ kỹ còn lại từ hồi giải phóng và kinh tế-xã hội toàn tỉnh nhìn chung vẫn còn yếu kém. Qua 20 năm, tôi nghĩ đó là khoảng thời gian đủ cho tỉnh nhà và Phan Rang-Tháp Chàm chuyển mình. Thật vui mừng vì ngày nay đội ngũ cán bộ tỉnh nhà đã hùng hậu hơn, điều kiện kinh tế-xã hội, văn hóa-giáo dục và đời sống người dân nâng lên, đặc biệt, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm đã mang bộ mặt đô thị mới.
Trong thời gian gần đây, với những thông tin về các dự án đầu tư và những sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn tỉnh, có thể cảm nhận được đang có nhiều nhân tố mới xuất hiện. Tôi tin rằng, một khi tỉnh ta đã có định hướng, xác định bước đi cụ thể thì sẽ đạt được các mục tiêu đề ra như xây dựng Tp.Phan Rang-Tháp Chàm trở thành đô thị loại 2 vào năm 2015 và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Điều quan trọng hiện nay là sự quyết tâm của cán bộ, nhân dân và sự tập trung huy động hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
• Anh Phạm Thanh Hưng, Sở Khoa học và Công nghệ:Tôi thực sự vui mừng khi thấy quê hương mình đang từng ngày đổi mới. Kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước phát triển đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét, các khu, cụm công nghiệp và đô thị mới ngày càng được hình thành nhiều hơn, du khách và các nhà đầu tư trong, ngoài nước ngày càng biết và đến nhiều với tỉnh ta. Đồng hành với sự phát triển của quê hương, hoạt động khoa học - công nghệ cũng có nhiều tiến bộ vượt bậc. Ngoài nhiệm vụ làm cầu nối chuyển giao các đề tài, dự án khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, còn thông tin kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn đến với nông dân một cách rất hiệu quả. Với những thành quả đạt được sau 20 năm tái lập tỉnh, cộng với những tiềm năng, lợi thế đang được đánh thức, tôi tin rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà sẽ tranh thủ thời cơ, huy động tốt các nguồn lực để khai thác mọi tiềm năng và lợi thế, đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà tiếp tục có sự phát triển hơn trong tương lai.
• Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, thôn Phương Cựu 2, xã Phương Hải, Ninh Hải:Sau 20 năm tái lập tỉnh, bà con nông dân rất vui mừng, phấn khởi trước sự phát triển, đổi thay của quê hương. Những năm qua, nhờ những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, sự quan tâm của tỉnh, địa phương nên việc sản xuất của nông dân ngày càng thuận lợi, thu nhập tăng cao, đời sống ổn định, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, nhân dân phấn khởi vì được phát huy quyền làm chủ của mình… So với những ngày đầu mới chia tách tỉnh, bộ mặt nông thôn hôm nay đã đổi mới rất nhiều: nước sạch được dẫn đến từng nhà, đường làng, ngõ xóm được bê-tông hóa, hệ thống thủy lợi được xây dựng kiên cố đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt, các gia đình cũng quan tâm, động viên con em học hành… Trước những đổi mới đó, nông dân chúng tôi càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và mong muốn được góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nhóm PV