(NTO) Nhìn lại giai đoạn 1992 – 2000 hoạt động TDTT chỉ mang tính tự phát ở từng địa bàn, vùng dân cư. Nhìn về tổng thể thì phong trào TDTT quần chúng của tỉnh cũng duy trì tốt ở lực lượng công nhân, viên chức, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang và một số địa bàn khu dân cư tập trung ở thị trấn, thành phố là chủ yếu. Thế nhưng từ năm 1996 – 2000, là giai đoạn quan trọng mà công tác TDTT quần chúng được quy hoạch phát triển cụ thể cho từng đối tượng, đặt ra các chỉ tiêu, giao chỉ tiêu phấn đấu từng năm và những giải pháp khả thi để thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược của toàn ngành đề ra, tập trung phát triển TDTT trong mọi đối tượng với các nội dung phong phú, đa dạng…
Sân bóng đá cỏ nhân tạo đang được các doanh nghiệp và tổ chức đầu tư xây dựng thu hút đông đảo người hâm mộ
tham gia luyện tập và thi đấu
Từ năm 2000 đến nay, hoạt động TDTT quần chúng của tỉnh được củng cố, duy trì và có bước phát triển khá nhanh. Số người luyện tập TDTT thường xuyên tăng từ 11,7 % dân số năm 2000, lên 20,37 % dân số năm 2011. Số hộ gia đình thể thao tăng từ 6% năm 2000 lên 12,28 % năm 2011; Số Câu lạc bộ (CLB) TDTT tăng từ 17 CLB năm 2000 lên 107 CLB năm 2011; trên 60% trường học thực hiện Giáo dục thể chất theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển, các tầng lớp nhân dân đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Hàng năm, ngành TDTT tỉnh nhà đã tổ chức các giải thể thao từ cơ sở đến tỉnh; các môn thể thao truyền thống được nhiều người ưa thích lựa chọn để luyện tập như: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, quần vợt, cầu lông, cờ tướng, Taekwondo, Vovinam... Thể thao văn hóa dân tộc, dân gian cũng được quan tâm nhiều hơn, thông qua các lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc Chăm, Raglai như: đua thuyền, đua sỏng, lắc thúng, bắn nỏ, đẩy gậy, đội nước, đi cà kheo, mang gùi leo núi, kéo co, nhảy bao bố,…
Ngoài việc tích cực đẩy mạnh phong trào TDTT trong CNVC-LĐ tỉnh, ngành còn phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức các giải thể thao cho người khuyết tật, đồng thời tuyển chọn VĐV vào các đội tuyển tham dự các giải thể thao toàn quốc. Chỉ tính riêng từ năm 2002 đến 2008, đoàn thể thao người khuyết tật tỉnh đã đoạt được 2 Huy chương vàng, 21 Huy chương bạc, 28 Huy chương đồng trong các kỳ hội thao toàn quốc. Và đặc biệt có 1 VĐV đoạt Huy chương đồng giải thể thao khuyết tật Đông Nam Á (Para Games).
Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì mỗi năm, trung bình ngành TDTT tổ chức được 190 giải cấp xã, 50 giải cấp huyện, 12 giải cấp tỉnh và trên 20 giải do các ngành độc lập tổ chức. Từ đó, chất lượng các giải thể thao cũng được nâng lên, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần đẩy mạnh phong trào TDTT phát triển.
Cùng với những thành tựu đạt được về phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao cũng được quan tâm, đầu tư đúng hướng, phù hợp với điều kiện kinh tế của tỉnh. Từ năm 2001 đến năm 2010, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Ninh Thuận tập trung đào tạo được 1522 VĐV gồm các môn: Bóng đá, bóng bàn, quần vợt, cầu lông, điền kinh, Taekwondo, Vovinam, Pencăk Silat… Thể thao thành tích cao của tỉnh, nhìn chung đã có bước phát triển đáng khích lệ so với trước năm 2000. Cụ thể, đã tham dự và đạt các giải ở khu vực, toàn quốc như: Giải quốc tế đoạt 5 HCV, 5 HCĐ. Giải toàn quốc đoạt 10 HCV, 15 HCB, 21 HCĐ. Giải khu vực, đoạt 13 HCV, 39 HCB, 48 HCĐ. Số VĐV hàng năm đạt đẳng cấp quốc gia (2001-2010) Cấp I: 53 VĐV; dự bị kiện tướng: 4 VĐV; kiện tướng: 17 VĐV.
Trung bình mỗi năm duy trì tập luyện khoảng 120 VĐV các tuyến. Trong đó 80 VĐV năng khiếu và 40 VĐV đội tuyển các môn bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, điền kinh, Taekwondo, cầu lông, cờ vua, cờ tướng và Vovinam, bóng bàn. Những môn thể thao trọng điểm được tập trung đầu tư phát triển hiện nay là bóng chuyền bãi biển, bóng rổ nam, điền kinh, Taekwondo, Vovinam, bóng bàn, điền kinh. Nhưng môn Taekwondo được đánh giá là môn nhiều tiềm năng và điều kiện vươn lên đạt thành tích tại đấu trường quốc gia và khu vực.
Ông Nguyễn Quang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo – Huấn luyện TDTT, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh cho biết: Trong năm 2012, về phía trung tâm sẽ phấn đấu đạt 3 HCV, 3 HCB, 4 HCĐ ở các môn thế mạnh của tỉnh tại các giải toàn quốc và quốc tế.
Phát huy những thế mạnh sẵn có, Sở VH,TT& DL tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền; phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng trong việc huy động sức mạnh toàn xã hội chăm lo công tác TDTT. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đã đầu tư xây dựng sân bóng đá mi-ni, sân quần vợt, nhà tập luyện cầu lông, bóng bàn, phòng tập thể hình, CLB bi-da…
Nhìn chung công tác TDTT của tỉnh trong những năm qua đã có sự phát triển và tăng trưởng khá rõ nét cả về TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao. Hầu hết mọi đối tượng, mọi lứa tuổi và đồng bào các dân tộc thiểu số đều tham gia tập luyện TDTT. Với những kết quả, thành công ban đầu đã góp phần vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của tỉnh và đưa thể thao tỉnh nhà phát triển xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh.
Phan Bình