(NTO) Những ngày tháng Tư lịch sử, khi nhân dân cả tỉnh hân hoan chào mừng 20 năm Ngày tái lập tỉnh (1/4/1992-1-4-2012) và 37 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận (16-4-1975-16-4-2012), từ Trường Sa thân yêu, những người con của miền quê nắng gió này cũng rạo rực niềm vui.
Cuộc điện thoại nối đất liền với đảo Nam Yết (Trường Sa) mở đầu bằng lời chào hóm hỉnh của Binh nhất Lê Trung Ngoan- chàng lính trẻ quê ở phường Văn Hải, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm: “Chào chị nhà báo!” Nhắc lại những ngày “gặp” người Ninh Thuận giữa Trường Sa, Ngoan có dịp cởi tấm lòng: “Chuẩn bị đến ngày kỷ niệm tỉnh nhà được giải phóng , quê mình chắc đẹp lắm chị ha!”. Tôi “bồi” thêm: “Ừ. Năm nay đúng dịp 20 năm tái lập tỉnh nữa em à. Đâu đâu cũng chung niềm vui mừng quê hương đổi mới”.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận thăm quân dân huyện đảo Trường Sa. Ảnh: Tuấn Dũng
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và thành viên trong Đoàn cùng với quân và dân Đảo Trường Sa tại cột mốc chủ quyền.
Ảnh: Tuấn Dũng
Câu chuyện cứ thế miên man. Sau một ngày học tập, rèn luyện vất vả, người lính đảo lại tìm thú vui từ biển. Như bao chàng lính trẻ tinh nghịch, Ngoan lại cùng mấy anh em trong phân đội thường hay tìm “thú vui” từ biển. Ngoan kể: “Biển Trường Sa xanh trong, đậm màu như biển quê mình vậy. Những ngày sóng dữ, em lại nhớ mùa biển động, bãi tắm Bình Sơn-Ninh Chữ vắng người, chỉ còn lũ học trò tụi em nghịch ngợm dàn đội chơi đá bóng thỏa thích vì không phải nhường “đất” cho ai cả!” Đằng sau dòng tâm sự nhớ quê của Ngoan, hình ảnh chàng lính Cụ Hồ quê mình sao mà hồn nhiên đến thế! Chững chạc hơn hẳn dáng vẻ của một chàng trai tuổi 20, Ngoan bày tỏ: “Tự hào là con em quê hương Ninh Thuận anh hùng, từ nơi hải đảo xa xôi, em và đồng đội sẽ phấn đấu học tập, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp”.
Ấm áp tình quân- dân huyện đảo Trường Sa.
Khu vui chơi dành cho thiếu nhi ở đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa)
Ảnh: Diễm My
Sinh năm 1992, tân binh đảo Trường Sa Đông, Hồ Đức Vương (quê ở thôn Tri Thủy, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) cũng bày tỏ niềm xúc động khi hướng về quê hương Ninh Thuận những ngày tháng Tư lịch sử. Qua điện thoại, giọng Vương thật vui: “Cuộc sống ngoài đảo tuy vất vả nhưng em đã làm quen được với nhịp sống và nhiệm vụ ở đây rồi đấy. Nhưng mỗi lần nhận được liên lạc từ quê nhà, em lại nhớ đất liền lắm. Nhớ Ninh Thuận đầy nắng, đầy gió. Nhớ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, nhớ quê mình”. Vương hoài niệm: “ Ngày em còn nhỏ quê mình khác bây giờ nhiều lắm. Nhà cửa lác đác, đường nhỏ nhỏ, quán xá thì dăm ba cái. Lên đến học cấp 3, quê hương đã khác nhiều. Đường rộng thênh thang, phố thị sầm uất. Nhưng lúc đó, em thấy bình thường quá. Giờ ra đảo rồi mới thấy đó là sự đổi thay thật nhanh chóng. Em rất tự hào khi là người con của Ninh Thuận”.
Vườn "mini" trồng rau xanh của quân dân huyện đảo Trường Sa. Ảnh: Lê Văn Hùng
Anh Huỳnh Viên người dân trên đảo Trường Sa quanh năm bám biển bảo đảm cuộc sống. Ảnh: Diễm My
Kể cho tôi những cảm xúc khi ở đảo, giọng Vương lại run run. Mỗi lần thấy tàu thuyền qua lại, hình ảnh một làng biển gần gũi, thân thương lại ùa về làm người lính trẻ man mác nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Với Vương, cảnh những con tàu tấp nập mang những mẻ cá nặng trịch từ khơi xa trở về, niềm vui rạng rỡ trong từng ánh mắt các bà, các cô, các chị, rồi làn da rám nắng chắc nịch của mấy bác, mấy chú, mấy anh tay thoăn thoắt chuyển những giỏ cá đầy, như đã in sâu trong lòng. Giữa biển khơi, bóng thấp thoáng những con tàu đánh cá bé nhỏ, chỉ có tiếng sóng vỗ về bên bờ ta-luy, sao những tiếng ồn ã, náo nhiệt của cảng cá làm Vương xốn xang thế này!
Cán bộ, chiến sĩ đọc báo từ đất liền gởi ra Trường Sa thân yêu. Ảnh: Tuấn Dũng
Chiến sĩ trên Đảo Trường Sa cùng cây đàn ghi-ta hát vang “Hát mãi khúc quân hành”. Ảnh: Diễm My
Luôn dõi theo những bước phát triển của quê hương Ninh Thuận, những người con xa xứ, đang sinh sống và lập nghiệp trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã và đang kỳ vọng nhiều vào diện mạo mới của vùng đất “khát” từ những dự án trọng điểm của tỉnh. Anh Phạm Vũ ở xã đảo Sinh Tồn (quê xã Cà Ná, huyện Thuận Nam) tâm đắc: “Qua đài, báo, chúng tôi vẫn nắm bắt những thông tin của địa phương và thấy rằng, ngoài 2 dự án điện hạt nhân thì những dự án trên các lĩnh vực khác trong tương lai sẽ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh nhà phát triển, đời sống người dân được nâng cao”.
Tháng Tư rợp nắng. Hai mươi năm sau ngày tái lập tỉnh, Ninh Thuận đang trở mình với những bước tiến vững vàng. Từ Trường Sa, tấm lòng những người con xa quê hướng về đất Mẹ cuồn cuộn như sóng biển dạt dào không ngừng xô vào bờ cát trắng. Khi tiền tiêu chắc tay súng giữ yên vùng trời biển, đảo của Tổ quốc thì hậu phương, cán bộ và nhân dân Ninh Thuận nói riêng, cả nước nói chung cũng vững một niềm tin xây dựng quê hương, đất nước đẹp giàu.
Diễm My-Hồng Nhạn