Thuận Nam: Vùng đất mới đổi thay

(NTO) Thuận Nam biển đẹp, cá tươi. Nhưng những ngày đó người dân vẫn còn lắm cơ cực. Công nghiệp chưa phát triển. Thế mạnh của địa phương là đánh bắt hải sản, nhưng đội tàu công suất nhỏ (chủ yếu dưới 30 CV), phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên.

Vụ cá Nam biển lặng, sóng yên, ngư dân làm nghề pha xúc ra khơi đánh bắt gần bờ; còn vụ Bấc biển động, tàu thuyền chủ yếu nằm bờ. Những chiếc tàu công suất lớn trên 90 CV khai thác ở các ngư trường lớn ngoài khơi xa đếm trên đầu ngón tay. Sau 20 nhìn lại, Thuận Nam đã có nhiều đổi thay.

 
Ngày càng có nhiều tàu, thuyền công suất lớn của ngư dân Thuận Nam ra khơi đánh bắt xa bờ. Ảnh: A.Tùng

Nổi bật nhất đó là đội tàu đánh bắt hải sản của ngư dân phát triển mạnh. Hiện nay ở địa phương có 986 tàu, thuyền với tổng công suất 114.540 CV, trong đó có 507 chiếc công suất 90 CV trở lên. So với ngày mới tái lập tỉnh, số lượng tàu, thuyền tăng khoảng gấp 3 lần. Sản lượng khai thác tăng dần theo từng năm, riêng năm 2011 khai thác được 42 ngàn tấn, tăng 12 ngàn tấn so với năm 2010. Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Bí thư Huyện ủy Thuận Nam cho biết: “Xác định khai thác thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua tranh thủ chính sách ưu đãi của Nhà nước, địa phương xây dựng chiến lược cải hoán, nâng cấp đội tàu, tạo điều kiện cho các chủ tàu vay vốn với số tiền lớn để đóng mới, mua sắm ngư cụ vươn ra đánh bắt xa bờ”.

Vào mùa thu hoạch cá cơm của ngư dân xã Cà Ná, huyện Thuận Nam. Ảnh: Văn Miên 

Tiên phong trong lĩnh vực này phải kể đến ngư dân ở xã Phước Diêm và Cà Ná. Cả hai địa phương có 3.374 hộ sống bằng nghề đánh bắt và chế biến hải sản. Hằng năm, sản lượng khai thác đạt từ 25 đến 30 ngàn tấn, đóng góp nguồn thu ngân sách hàng tỷ đồng. Năm 1992, đội tàu khoảng vài trăm chiếc, đến nay tăng lên 536 chiếc, với tổng công suất 50.876 CV, đã đưa hai địa phương đứng đầu trong đánh bắt hải sản trong toàn tỉnh. Khai thác hải sản phát triển, kéo theo sự phát triển nghề cá hấp, nước mắm. Mỗi năm 82 hộ làm nghề cá hấp và 60 hộ làm nước mắm sản xuất khoảng 300 tấn cá thành phẩm các loại và hàng trăm ngàn lít nước mắm.

 
Tôm sú giống bố mẹ được nuôi ở Trung tâm sản xuất tôm giống. Ảnh: A.Tùng

Về nuôi trồng thủy sản, thành công vượt trội của địa phương đó là hình thành Trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước. Trung tâm khởi công xây dựng tại thôn Sơn Hải (Phước Dinh) vào năm 2006, quy mô rộng 30 ha, sản xuất 12 ngàn con tôm sú giống bố mẹ/năm. Hiện nay đã hoàn thành giai đoạn 1, với diện tích 7,5 ha. Cuối năm 2011, Trung tâm đã xuất 500 cặp tôm sú giống bố mẹ sạch bệnh cung cấp cho các trại nuôi tôm giống trên toàn quốc. Nhờ sử dụng công nghệ nuôi tiên tiến nên tôm sú giống bố mẹ của Trung tâm sạch bệnh 100%, vượt trội so với tôm sú giống bố mẹ khai thác trong tự nhiên. Triển vọng phát triển nghề nuôi tôm sú giống bố mẹ ở địa phương rất lớn khi hằng năm cả nước cần khoảng 400 ngàn con giống bố mẹ để sinh sản 26 tỷ con giống đưa vào sản xuất.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Phước Dinh.

Không những thế, Thuận Nam đã biến những vùng khô hạn, địa hình phức tạp với nhiều gò, đồi trọc ăn sát biển trở thành lợi thế phát triển. Công cuộc vận động nhân dân chấp hành di dời, giải tỏa, giao đất để khởi công xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân tại thôn Vĩnh Trường (Phước Dinh) vào đầu năm 2014 là nỗ lực lớn đòi hỏi phải có sự thống nhất cao độ của toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là sự đồng thuận của nhân dân nằm trong vùng dự án.

Khu sản xuất muối công nghiệp Quán Thẻ, xã Phước Minh, huyện Thuận Nam.
Ảnh: V.Miên

Đồng chí Nguyễn Văn Thành cho biết thêm: “Hiện tại nông nghiệp, thủy sản đang là ngành sản xuất chính của địa phương, khi tỷ trọng chiếm gần 40,4%. Nhưng theo định hướng phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì Thuận Nam nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam của tỉnh. Trong đó, giai đoạn 2011-2020, sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành công nghiệp có tính mũi nhọn”. Điều này là có cơ sở, vì trên thực tế Thuận Nam có lợi thế về tự nhiên. Chính sự khắc nghiệt của khí hậu đã tạo điều kiện tốt để phát triển điện gió và điện mặt trời. Với chiều dài bờ biển trên 43 km trải dọc từ xã Phước Dinh đến Cà Ná, vùng lãnh hải rộng trên 7.200 km2, đáy biển tương đối sâu, độ mặn nước biển cao, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối công nghiệp. Khu vực cảng nước sâu Cà Ná là cảng duy nhất ở tỉnh ta cho tàu 500 DWT vào được. Đó là chưa kể đến Thuận Nam có trữ lượng đá lớn lên đến 368,8 triệu m3, quặng titan trải rộng trên diện tích 2.025ha.

 Phát huy tiềm năng, lợi thế của tự nhiên, địa phương đã xây dựng Khu công nghiệp Phước Nam rộng 400 ha và tiếp tục mở rộng thêm 200 ha trong những năm tới; hình thành Khu công nghiệp Hiếu Thiện và Cà Ná. Cùng với đó, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ quy hoạch khu hành chính huyện và khu đô thị công nghiệp với quy mô 1.200 ha. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, tỉnh, huyện, như: Nhà máy Điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời; Dự án Thăm dò, khai thác và chế biến titan; Dự án Chế biến muối cao cấp và Nhà máy Chế biến sản phẩm từ cây neem…

 
Tại Cà Ná hệ thống đường sắt, đường bộ, đường biển liền kề nhau chỉ vài chục mét 
là nét giao thông độc đáo duy nhất ở Việt Nam đang mời gọi du khách về thăm.  Ảnh: Lê Pháp

Sau 20 năm đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, Thuận Nam đạt được rất nhiều thành tựu, nhưng tự hào nhất là địa phương đã và đang trở thành trung tâm năng lượng sạch và sản xuất tôm sú giống bố mẹ của cả nước.