(NTO) Cùng với cả nước, trong kháng chiến chống Pháp, tỉnh ta có phong trào thi đua “Diệt giặc dốt”, “Diệt giặc đói”, “Diệt giặc ngoại xâm”, “Hũ gạo cứu quốc”, “Tuần lễ vàng”. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta có phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang; phong trào tăng gia sản xuất; phong trào tham gia học chữ Cụ Hồ; phong trào văn nghệ “Tiếng hát át tiếng bom”; phong trào thi đua bắn máy bay giặc... đã làm sáng ngời truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Ninh Thuận.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao bằng khen cho các cá nhân
và tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước
tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V (2011-2015).
Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao cờ cho các đơn vị dẫn đầu các khối thi đua
tại Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2011 và ký kết giao ước thi đua năm 2012.
Ảnh: Văn Miên
Tiếp nối truyền thống thi đua yêu nước, từ sau ngày tái lập tỉnh, tháng 4-1992, nhất là từ khi có Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30-6-1998 và Chỉ thị 39-CT/TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị, đến nay phong trào thi đua yêu nước có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Tỉnh uỷ đã ban hành Thông tri số 15 về đổi mới công tác thi đua-khen thưởng trong tình hình mới, Chỉ thị số 43 về đổi mới, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến; Chỉ thị số 23 ngày 31-8-2011 về tiếp tục đổi mới, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.
Hàng năm UBND tỉnh đều triển khai kế hoạch phát động thi đua thực hiện nhiệm vụ, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đã có những đóng góp to lớn trong việc vận động toàn dân tham gia phong trào thi đua yêu nước.
Tỉnh đã tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ III năm 2000, lần thứ IV năm 2005 và gần đây là Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ V năm 2010, để biểu dương những thành tích to lớn của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, khẳng định vị trí quan trọng của phong trào thi đua yêu nước trong tình hình hiện nay. Nhờ vậy, phong trào thi đua yêu nước có bước phát triển cả về bề rộng và tính hiệu quả. Ngoài thi đua thường xuyên thực hiện nhiệm vụ công tác năm, chúng ta còn triển khai nhiều phong trào thi đua chuyên đề thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh như phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Toàn dân chung tay xây dựng Nông thôn mới”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”…động viên toàn dân hăng hái tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh.
Công nhân Công ty may Tiến Thuận tăng ca nâng cao năng suất, chất lượng,
hiệu quả trong sản xuất- kinh doanh. Ảnh: Thanh Long
Chặng đường 20 năm (1992 - 2012) xây dựng và phát triển quê hương Ninh Thuận luôn gắn liền với phong thi đua yêu nước: Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 10 năm 2000 - 2010 bình quân 9,8%/năm, riêng giai đoạn 2006-2010 trong tình hình lạm phát tăng cao (năm 2008) cùng cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009, đặc biệt thiệt hại cơn lũ lịch sử năm 2010 để lại hậu quả nặng nề cho sản xuất và đời sống nhân dân, nền kinh tế của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng bình quân 10,7%/năm, cao hơn 1,3 lần so với giai đoạn 2001 - 2005.
Công nhân Công ty CP xuất khẩu nông sản đẩy mạnh sản xuất góp phần
phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh. Ảnh: S.Ngọc
Đặc biệt, năm 2011, đối mặt với những khó khăn chung do tác động của kinh tế thế giới, ở trong nước lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao, nhưng với tinh thần phát huy nội lực, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đoàn kết nhất trí, vượt qua khó khăn, đạt tốc độ tăng trưởng 10,6% (cả nước tăng 6%); GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 16,3 triệu đồng, tăng gấp 3,4 lần so với năm 2005 và gấp 12 lần so năm 1992.
Công nhân Xí nghiệp Liên doanh muối Đầm Vua thi đua sản xuất đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Ảnh: Sơn Ngọc
Công tác giảm nghèo đạt thành tựu nổi bật, huy động được nhiều nguồn lực chăm lo cho người nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21,29% năm 2006 xuống còn 11,05% năm 2010 (theo chuẩn nghèo 2005), bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm, không còn hộ đói; xây dựng 4.232 căn nhà cho người nghèo, hỗ trợ xây dựng 4.168 căn nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo từ Chương trình 134 và 930 căn nhà ở huyện Bác Ái từ chương trình 30a của Chính phủ.
Qua 20 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, nhì, ba. Ngoài ra các tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước, Chính phủ tặng thưởng: Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho 1 tập thể và 1 cá nhân, Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba cho 51 tập thể và 42 cá nhân; phong tặng các danh hiệu khác: 10 Thầy thuốc Ưu tú; 4 Nhà giáo Ưu tú; 3 Nghệ sĩ Ưu tú; Cờ Thi đua Chính phủ cho 11 tập thể; Bằng khen Thủ tướng cho 82 tập thể, 84 cá nhân; Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 2 cá nhân.
Phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng thưởng là niềm vinh dự, tự hào to lớn, động viên toàn dân Ninh Thuận tiếp tục ra sức đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, vượt qua khó khăn, thách thức xây dựng quê hương phát triển, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Lê Trường Ninh