(NTO) Mới đó đã hai mươi năm. Hai mươi năm, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa say sưa đi theo dòng chảy của công cuộc đổi mới. Họ đã làm nên những thành tựu về lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của tỉnh nhà. Hai mươi năm, họ mải miết đi, mải miết đam mê, mải miết cống hiến... để đến hôm nay, họ giật mình thấy đã đi qua một thế hệ, lớp trẻ đã trưởng thành.
Đội chiếu bóng lưu động mang "ánh sáng văn hóa" đến với bà con vùng cao.
Ảnh: Tuấn Anh
Còn nhớ không- Ngày ấy Phan Rang, một phố thị mấy người biết đến ! Những con đường nho nhỏ không vỉa hè ngoằn ngoèo, cắt chéo thành những khu tam giác le lói đỏ hoe những ngọn đèn đường yếu điện. Bao người đã đi tìm những bờ bến mới, một vùng đất mát hơn, nắng ít gay gắt hơn và gió đỡ chướng hơn. Còn nhớ những ngày đầu mới thành lập, cả ngành chỉ có lèo tèo vài cán bộ có nghiệp vụ văn hoá, nghệ thuật. Những người anh cả như Hải Liên, Tám Lộc đã vất vả đi tìm cán bộ để hình thành nên bộ máy ban đầu. Số cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành văn hoá, nghệ thuật được vài ba người. Còn nhớ những tháng năm đầu ấy, kết hợp đi xây dựng làng văn hóa, công đoàn cơ quan sở tổ chức chăn nuôi dê để cải thiện đời sống. Anh chị em đi xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa bằng chiếc xe Minscơ cũ kỹ…Nhiều, nhiều lắm những kỷ niệm thuở ban đầu ấy với bao gian nan vất vả. Ấy vậy mà vui, vui lắm những buổi chiều sinh hoạt cơ quan, sinh hoạt Công đoàn, nào học xướng âm, học khiêu vũ, học nhiếp ảnh. Cơ quan sau giờ làm việc không ngớt tiếng hát tiếng cười. Đúng là những người “lấy vui làm lãi”. Đôi xị rượu đế cũng đủ gây men cho những giọng ca “mới phát hiện, sắp thành sao” giành nhau hát, từ thủ trưởng cho đến lái xe, tạp vụ…tất cả hòa chung tiếng hát vô tư, gắn kết thành tình đồng chí, đồng đội, tạo nên không khí đoàn kết, vui tươi, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Sắc màu văn hóa độc đáo do các nghệ nhân dân gian Chăm biểu diễn tại
Festival Ninh Thuận năm 2007. Ảnh: Sơn Ngọc
Còn nhớ không? Những năm đầu đi xây dựng làng văn hóa, trèo đèo lội suối lên Ma Nới, Ma Oai, gian khổ mà vui. Làm sao quên những đêm lửa trại ở Phước Chính, Phước Trung, Phước Chiến. Những đêm cả làng không ngủ, đánh mã la múa vui trong men rượu cần ngất ngây cho đến sáng hôm sau, khi bình minh vừa hé trên khe núi là làm lễ phát động xây dựng làng văn hóa. Bản làng tràn ngập tiếng chim ca, tiếng mã la, khèn bầu, đàn đá, những ánh mắt xoe tròn của các em thiếu nhi khi xem các anh, các chị đội văn nghệ miền núi diễn kịch “Bác Ái mặt trời lên”.
Tiết mục đặc sắc tại Liên hoan làng biển Việt Nam diễn ra tại Ninh Thuận, tháng 8-2011
Các em thật sung sướng khi được các anh, các chị tuyên truyền viên cắt tóc, cùng ra suối tắm, đọc sách, kể chuyện, xem tranh…Và bản làng đã thành thân thương, quen thuộc với tiếng còi xe của Đội thông tin, Đội chiếu bóng, của Đoàn nghệ thuật Chăm, Đoàn Ca múa nhạc. Khi con gà, khi củ mì, củ sắn, các away, ama nấu cháo sau đêm diễn, coi các chiến sĩ văn hóa thân thương như con, như cháu trong nhà. Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên tổ chức phát động xây dựng mô hình làng văn hoá đầu tiên ở khu vực phía Nam. Công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở ngày nay đã được tiến hành bài bản hơn. Nhưng về sự nhiệt tình và khí thế, chưa chắc đã bằng “thuở ban đầu” ấy.
Quần thể sân vườn tượng đài, Bảo tàng tỉnh được khánh thành, đóng góp cho sự khang trang,
lớn mạnh của một thành phố trẻ.
Tuy còn nghèo nhưng với sự quan tâm của tỉnh, một số thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng. Trước hết là những thiết chế văn hóa phục vụ quần chúng nhân dân như Thư viện, Trung tâm văn hóa, Trung tâm văn hóa Chăm… Đội ngũ cán bộ công chức được đào tạo và đào tạo lại. Anh chị em cán bộ, công chức đã phải thắt lưng buộc bụng, người ở lại gánh vác cho người đi học. Nhờ vậy, đến nay, chúng ta mới có một đội ngũ tri thức đáng tự hào. Hầu hết cán bộ đã tốt nghiệp đại học, một số sau đại học. Công tác quản lý nghiệp vụ của các lĩnh vực hoạt động văn hóa ngày càng đi vào bài bản, nền nếp. Cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường. Quần thể sân vườn tượng đài, Bảo tàng tỉnh được khánh thành, đóng góp cho sự khang trang, lớn mạnh của một thành phố trẻ.
Sau 20 năm tái lập tỉnh, phong trào văn học- nghệ thuật phát triển mạnh mẽ.
Tỉnh ta có nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đạt các giải thưởng cao trong nước và quốc tế.
Đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng phát triển cả số lượng lẫn chất lượng. Ngày càng nhiều những tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị. Ấn phẩm văn hóa địa phương, ngành xuất bản ngày càng nhiều. Các chương trình tham gia hội thi, hội diễn quốc gia, khu vực chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp luôn gặt hái được những thành công tốt đẹp. Phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển rộng khắp, đời sống tinh thần của nhân dân từ đô thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa được nâng lên rõ rệt, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tô đậm sắc màu văn hóa vùng độc đáo, đậm đà.
Phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển rộng khắp góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân
Hai mươi năm, nhanh quá phải không? Nào hãy cùng nhau xem lại những “thước phim” trong bộ nhớ mỗi người ghi lại những gương mặt thân thương từ những ngày đầu tiên ấy. Có những người đã đi xa, để hôm nay chúng ta bùi ngùi thương nhớ. Có những người đã nghỉ hưu, để lại công lao gây dựng những ngày đầu của mình và giao sự nghiệp cho thế hệ kế tiếp. Có những người đã chuyển đi, có những người mới đến… những con người dù ít, dù nhiều đã có công lao xây dựng sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật tỉnh nhà, xây dựng đội ngũ ngày càng lớn mạnh.
Bảo tồn giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc được phát triển ở các địa phương.
Trong ảnh: Học sinh Trường DTNT Pinăng Tắc được các nghệ nhân truyền dạy biểu diễn mã la.
Thời gian đi qua, khi ngoái đầu nhìn lại ai chẳng thấy bùi ngùi. Nhìn quãng đường hai mươi năm ấy, chúng ta bồi hồi xúc động, tự hào với những gì đã đạt được, nhưng cũng cùng vỗ vai nhau nhìn lại những gì chưa trọn vẹn, còn hạn chế để bảo ban nhau làm tốt hơn. Từ năm 2008, ngành Văn hoá lại lại được nhập thêm ngành Du lịch và Thể thao. Con đường phía trước còn đầy gian khó, đầy chông gai thử thách, đòi hỏi chúng ta đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ, đưa sự nghiệp văn hóa tỉnh nhà bước vào kỷ nguyên mới.
Trong vài năm gần đây, phong trào thư pháp phát triển góp thêm sắc màu tươi mới
trong đời sống tinh thần của nhân dân tỉnh nhà.
Hôm nay, dẫu chưa hoành tráng lắm nhưng những buổi chiều tà dạo xe trên những con phố mới thả hồn theo gió, ngắm nhìn những ngôi nhà cao tầng ngợp trong ánh nắng, ngắm bờ biển xanh tít tắp với những khu du lịch, khu vui chơi giải trí đang mọc lên, lòng cũng thấy yêu phố thị mình nhiều hơn. Dù ai còn muốn ra đi cũng sẽ phải ngần ngừ, luyến tiếc. Câu hát “Phan Rang của tôi đầy nắng và đầy gió” sẽ trở thành dĩ vãng (nhưng vẫn là những kỷ niệm đẹp) nhường cho lời ca “tôi yêu Phan Rang, thành phố tuổi xuân nắng gió ngập tràn, tôi yêu Phan Rang, yêu những hàng cây vươn mình chắn gió, yêu những con người vất vả dựng xây, để có hôm nay”...
Phan Quốc Anh
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch