Người nước ngoài có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam?
Theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật trình UBTVQH, hiện nay, có 2 loại ý kiến trái chiều về việc quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài. Theo đó, loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định trên, loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định vấn đề trong luật, chỉ trong trường hợp cần thiết thì giao Chính phủ quy định để phù hợp với từng thời kỳ phát triển.
Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật: Nếu lao động là người nước ngoài được tham gia công đoàn thì sẽ thuận lợi hơn để yêu cầu công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho họ.
Tuy nhiên, báo cáo của cơ quan thẩm tra dự án luật cũng nêu những ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ quy định quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam đối với lao động là người nước ngoài. Bởi vì, vấn đề người lao động nước ngoài luôn là vấn đề phức tạp, nên pháp luật nhiều nước cũng không quy định quyền tham gia công đoàn của lao động là người nước ngoài. Việc quy định cho phép lao động là người nước ngoài tham gia công đoàn còn đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết như: Rào cản về ngôn ngữ, văn hóa... Hơn nữa, điều kiện quản lý nhà nước về lao động là người nước ngoài của ta hiện nay còn nhiều hạn chế....
Do còn có ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Pháp luật vẫn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án.
Phương án 1: Không quy định quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài.
Phương án 2: Người lao động là người nước ngoài làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, có tổ chức công đoàn cơ sở thì có quyền gia nhập công đoàn nếu có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và thời hạn hợp đồng lao động còn hiệu lực từ một năm trở lên kể từ ngày xin gia nhập công đoàn.”
Đưa quan điểm về vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh: “Cần có quy định quyền gia nhập công đoàn của lao động là người nước ngoài. Nếu họ tự nguyện và tuân thủ pháp luật Việt Nam thì điều này hoàn toàn có thể, đây cũng là một điều kiện để tạo thêm sức mạnh của công đoàn Việt Nam.”
Đồng quan điểm với Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, cả hai Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và Nguyễn Thị Kim Ngân đều cho rằng nên quy định quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của lao động nước ngoài.
“Nếu quy định vào luật chỉ có tốt thôi, vì công đoàn chịu sự lãnh đạo của Đảng, điều này cũng thể hiện thái độ cởi mở, quan điểm rõ ràng với quốc tế, qua đó đảm bảo sự sự bình đẳng về quyền công đoàn giữa lao động là người Việt Nam và nước ngoài cũng như tạo sự thuận lợi hơn để công đoàn bảo vệ quyền,lợi ích hợp pháp cho họ” , Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, “đây là hướng mở trong hội nhập quốc tế và cũng là điều kiện thuận lợi để quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.”
Ở một góc độ khác, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lại cho rằng: Hiện nay, số lao động là người nước ngoài tại Việt Nam không nhiều, mà Bộ luật Lao động quy định lao động nước ngoài chỉ được cấp phép tối đa 1 năm, trong khi thời gian tìm hiểu để có thể gia nhập công đoàn cũng đã mất vài tháng. Do đó, rất khó để quy định điều này trong thực tế.
Một số ý kiến khác cũng tỏ ra băn khoăn và cho rằng, vấn đề này cần cân nhắc và xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị chọn phương án quy định quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài tại dự thảo luật, song yêu cầu các cơ quan chức năng cần cung cấp thêm thông tin cho đại biểu Quốc hội về tình hình lao động nước ngoài tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế và nói rõ những mặt thuận lợi cũng như khó khăn khi thực hiện quy định này.
Cần làm rõ căn cứ mức đóng góp kinh phí công đoàn
Quy định về đóng góp kinh phí công đoàn, Thường trực Ủy ban pháp luật đưa ra 2 phương án: Một là, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần đóng góp bằng 2% quỹ tiền lương thực trả cho người lao động. Hai là, kinh phí công đoàn do doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng góp tối đa bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Phải làm rõ căn cứ khoa học tại sao lại quy định thu phí công đoàn là 2% trên lương thực trả? Theo ông, mức thu 2% trên số tiền quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là hợp lý và chấp nhận được, tránh đánh vào những khoản làm thêm giờ…Tuy nhiên, theo ông Hiển, không nên dùng từ “tối đa” mà nên quy định cụ thể để tránh mỗi nơi đóng góp một kiểu.
Đồng quan điểm với ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phân tích: Việc quy định đóng góp kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương thực trả là chưa phù hợp với thực tiễn, bởi “lương thực trả” ở đây của một số doanh nghiệp lại rất lớn, do đó, cụ thể nên tính toán theo chức danh hay chế độ tiền lương... cho phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nêu rõ: Cần tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, đồng thời, đề nghị kết hợp cả 2 phương án nêu trên thông qua quy định đóng góp bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Bởi theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đối với doanh nghiệp nước ngoài, lương thực trả rất lớn, khó kiểm soát.
Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự án Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật với 100% đại biểu tán thành. Pháp lệnh này gồm 4 Chương, 20 điều quy định về việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan trong việc hợp nhất văn bản, trình tự, kỹ thuật hợp nhất văn băn, có hiệu lực từ ngày 1/6/2012./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam