Mất cân đối vĩ mô
Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường ĐH Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, thời gian hơn 4 năm gần đây, kinh tế vĩ mô Việt Nam liên tục có bất ổn. Mô hình tăng trưởng và cấu trúc nền kinh tế Việt Nam lộ rõ những khuyết điểm.
Theo các chuyên gia, hiệu quả đầu tư công ngày càng giảm gây lãng phí lớn nguồn lực của
Việt Nam
Nguyên nhân hàng đầu là nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nóng, dựa trên mở rộng đầu tư, trong khi chất lượng đầu tư ngày càng giảm. Điều này được thể hiện rõ qua những chỉ số như: Cơ cấu đầu tư theo thành phần kinh tế từ 2006 – 2011 là: Đầu tư khu vực nhà nước năm 2006 là 45,7%, và khu vực ngoài nhà nước chiếm 38,1%, còn FDI 16,2%; đến năm 2011, đầu tư khu vực nhà nước chiếm 38,9%, khu vực ngoài nhà nước chiếm 35,2%, còn FDI chiếm 25,9%.
Mức đầu tư này thu được tăng trưởng GDP năm 2006 đạt 8,23%; năm 2011 tụt xuống còn 5,89%. Và, ngân sách nhà nước giai đoạn 2001 – 2005, thu 24,6% GDP, nhưng chi đến 32,6% GDP; còn giai đoạn 2006 -2010 thu đạt 27,2% GDP nhưng chi tới 36,3%.
Hơn nữa, năng suất nền kinh tế không thực sự được cải thiện. Nếu giai đoạn 2000 - 2005 đạt trên 25% thì năm 2006-2010 chỉ đạt dưới 10%. Trong khi đó, nợ công năm 2007 chiếm 33,8%, năm 2010 lên 56,6%; còn nợ nước ngoài năm 2007 chiếm 32,5%, năm 2010 lên 42,2%; nợ công nước ngoài cũng tăng từ 28,2% năm 2007 lên 30,5% năm 2010.
Và, một con số cũng đáng lo ngại nữa là Tổng đầu tư/GDP năm 2006 chiếm 41,5%, năm 2007 là 46,5% nhưng năm 2011 chỉ còn 34,6%.
Những chỉ số trên đây cho thấy, sự mất cân đối tầm vĩ mô ở Việt Nam những năm qua là nguyên nhân cho những bất ổn kinh tế.
TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR cho biết: Đóng góp của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào GDP giảm sút do 2 hiện tượng: Bản thân quá trình tái cơ cấu nền kinh tế làm giảm thành phần DNNN thông qua quá trình cổ phần hóa; Một khuynh hướng lớn là hiệu quả hoạt động của DNNN có vấn đề. Vì thế, chúng ta nhìn vào lượng vốn đầu tư xã hội mà DNNN sử dụng, gần như chiếm ½ đầu tư toàn xã hội, đem so sánh với hiệu quả đóng góp GDP của khối DNNN sẽ thấy hiệu quả của khối DNNN thấp hơn khu vực khác.
Nhiều chuyên gia kinh tế tỏ rõ sự lo ngại khi Việt Nam tăng GDP phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư, trong đó có vốn đầu tư nước ngoài. Hơn thế, nhà nước chi ngân sách đầu tư quá lớn, đặc biệt là đầu tư cho DNNN đứng thứ 2 (sau đầu tư công) trong phân bổ ngân sách nhà nước, nhưng hiệu quả những đầu tư này không cao.
TS Nguyễn Đức Thành đánh giá: “Mô hình kinh tế của Việt Nam rất không bền vững. Chúng ta càng mở rộng đầu tư để mong có được tăng trưởng nhưng hiệu quả đầu tư thấp nên đã phải chịu đựng lãng phí lớn về nguồn lực, nếu tiếp tục mô hình này, sẽ tiếp tục lãng phí và bất ổn kinh tế vĩ mô”.
Cần phân bổ lại nguồn lực
Theo ông Trương Đình Tuyển, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia cho rằng, hoạt động của DNNN có phần chèn lấn nhiều sang các khối doanh nghiệp khác, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Chúng ta đã lấy tập đoàn nhà nước làm đòn bẩy cho nền kinh tế, nhưng thực tế các tập đoàn này hiệu quả kém nên không thực hiện được chức năng đòn bẩy. Cho nên, nhà nước phải có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho DNTN phát triển hơn nữa.
Việt Nam cần tăng năng suất nền kinh tế để góp phần giảm bội chi ngân sách
TS Nguyễn Đức Thành cho rằng: Sau 10 năm, trong cấu trúc nền kinh tế, khối DNTN chỉ đóng góp 10% cho GDP. Trong khi Việt Nam đi theo nền kinh tế thị trường rất cần sự năng động, mạnh mẽ của khối DNTN. Nhưng thực tế, khối DN này còn chưa thực sự mạnh mẽ. Hiện tại, Việt Nam vẫn dựa nhiều vào doanh nghiệp FDI, tiếp đến là DNNN chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế quốc dân.
Theo TS Michael Krakowski, Chuyên gia Trưởng tư vấn kỹ thuật, Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô MPI-GIZ, nền kinh tế Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập cho sản xuất và nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Và các chính sách kinh tế vĩ mô trung và dài hạn phải có sự thống nhất, tầm nhìn rộng, mục tiêu rõ ràng. Chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam cần kết hợp thông minh giữa các chính sách đề ra và môi trường thực hiện chính sách. Nếu không làm được, kinh tế Việt Nam sẽ gặp những cú sốc.
Để thúc đẩy nền kinh tế phát triển hơn, TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh việc Việt Nam phải có những cải cách rất mạnh mẽ trong việc phân bổ lại nguồn lực của xã hội. Ví dụ, chúng ta phải có sự thu hẹp DNNN phải phát triển DNTN. DNTN là khu vực sử dụng vốn có hiệu quả hơn và năng suất cao hơn, động cơ cải thiện năng suất, kỹ thuật cũng cao hơn DNNN.
Ông Deepak Mishra, Chuyên gia Kinh tế trưởng, World Bank Vietnam, cho rằng: Hai yếu tố quan trọng nhất trong nền kinh tế là Ngân hàng và DNNN. Nhưng ở Việt Nam, cả 2 đều đang gặp nhiều khó khăn (Lãi suất cao, tỷ giá hối đoái lớn…). Hơn thế, 5 năm vừa qua, Việt Nam có nhiều lúng túng trong điều hành nền kinh tế. Càng ngày nền kinh tế Việt Nam cho thấy những ảm đạm nhiều hơn mong đợi.
Cho nên, ông Deepak Mishra khuyến cáo: Việt Nam nên giảm các giải pháp ngắn hạn, tăng các giải pháp dài hạn một cách nhất quán. Chính sách này phải giải thích, tuyên truyền để tránh việc dân hiểu sai, thực hiện sai. Cần có sự phản biện chính sách để kịp thời điều chỉnh và phải làm thường xuyên. Các giải pháp về cổ phần hóa, chính sách tài khóa, tiền tệ cần phải có sự giám sát để đảm bảo thực hiện hiệu quả.
Những năm tiếp theo, GDP Việt Nam đã dự báo sẽ tăng cao, nhưng cần lưu ý, Việt Nam có chính sách tài chính mà Chính phủ sẽ trả các khoản nợ trước, điều này sẽ gây ra nhiều thâm hụt ngân sách. Nếu cứ tiếp tục thâm hụt ngân sách sẽ khó giải quyết được vấn đề ổn định về vốn và bội chi ngân sách.
Đặc biệt, cần xác định biên độ, phạm vi cổ phần hóa, không nên cổ phần hóa tràn lan mà cần có định hướng, có lộ trình. Việt Nam cần các gói giải pháp để giải quyết từng vấn đề./.
Nguồn VOV Online