Đây là khẳng định của Bộ Tài chính trước việc có một số ý kiến cho rằng, tỷ lệ nợ quốc gia của Việt Nam so với GDP hiện nay đang ở mức cao.
Mức nợ trong tầm kiểm soát, không có nợ xấu
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/12/2011, nợ nước ngoài của quốc gia ước tính ở mức khoảng 1.042 nghìn tỷ đồng, bằng 41,5% GDP năm 2011. Đây là mức nằm trong phạm vi giới hạn an toàn. Bởi, theo Nghị quyết của Quốc hội, kiểm soát dư nợ công đến năm 2015 dưới 65% GDP, nợ Chính phủ, nợ quốc gia dưới 50% GDP.
Kết luận này cũng phù hợp với đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Các tổ chức này nhận định, Việt Nam là nước có mức nợ nằm trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ (HIPCs).
Nếu xét về khía cạnh bền vững nợ cho thấy, nợ vay dài hạn, lãi suất ưu đãi là chủ yếu trong cơ cấu nợ của Việt Nam. Trong tổng số nợ của nước ta, số vốn vay ODA chiếm 75% và phần lớn số vốn này có lãi suất thấp.
Một thí dụ điển hình là khoản vay của WB có thời hạn 40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn, mức lãi suất là 0,75%/năm. Khoản vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn, lãi suất 1%/năm. Các khoản vay của Nhật Bản có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn và mức lãi suất khoảng từ 1-2%/năm.
Hiện nay, các khoản nợ đến hạn cả trong nước và nước ngoài đều được thanh toán đầy đủ, không có nợ xấu. Hơn nữa, cơ cấu huy động vốn vay trong và ngoài nước đã có sự thay đổi theo hướng tỷ trọng nợ nước ngoài giảm và tỷ trọng nợ trong nước tăng lên. Đây cũng là xu hướng chuyển đổi cơ cấu vay nợ nước ngoài sang vay nợ trong nước của các nước đang phát triển, nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nợ nước ngoài của quốc gia.
So với các nước đang phát triển có cùng hệ số tín nhiệm BB, chỉ số nợ của Việt Nam ở mức trung bình.
Triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát nợ công
Nhằm thực hiện các mục tiêu về giới hạn an toàn đối với các chỉ tiêu về nợ công được Quốc hội thông qua như đã nói ở trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát nợ công. Cụ thể là tổ chức thực hiện thanh toán trả nợ, đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để phát sinh nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế.
Việc huy động các nguồn vốn vay của Chính phủ sẽ được thực hiện trên cơ sở tiến độ giải ngân, tránh đọng vốn, tăng chi phí trả lãi, đồng thời không gây nên tình trạng gia tăng áp lực cho thị trường.
Tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, phân bổ sử dụng vốn vay để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo hiệu quả cao. Kiểm soát chặt chẽ các khoản vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, bảo lãnh Chính phủ theo hướng không mở rộng diện, gắn với hiệu quả sử dụng vốn, trả được nợ vay và giảm bao cấp từ ngân sách nhà nước.
Rà soát lại, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc xây dựng và điều chỉnh các chương trình tín dụng, tín dụng chính sách để giảm mức độ phụ thuộc quá lớn đối với nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Chú trọng công tác quản lý rủi ro đối với danh mục nợ, bao gồm rủi ro về đồng tiền vay, lãi suất, tỷ giá, khả năng thanh toán, tín dụng và hoạt động để hạn chế tới mức thấp nhất chi phí vay và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Nâng cao uy tín quốc gia và xây dựng đề án nâng cao hệ số xếp hạng tín nhiệm quốc gia để góp phần giảm chi phí vay của chính phủ và doanh nghiệp.
Tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm toán, quyết toán việc tuân thủ pháp luật của các đơn vị sử dụng vốn vay đặc biệt là các doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả đầu tư, trả được nợ.
Nguồn www.chinhphu.vn