Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Cộng hòa Chi-lê Xê-bát-xti-an
Pi-nhê-ra Ê-chê-ni-kê tại Hội nghị Cấp cao APEC 19 (Ảnh: TTXVN)
Việt Nam và Chi-lê thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/3/1971 (Chi-lê là nước thứ 2 tại khu vực Mỹ Latinh thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, sau Cu-ba), Hai nước đã mở Đại sứ quán tại Thủ đô của nhau năm 1972, nhưng quan hệ bị gián đoạn sau cuộc đảo chính quân sự do Tướng Pi-nô-chê cầm đầu lật đổ chế độ dân chủ và sát hại Tổng thống hợp hiến Xan-va-đô A-giên-đê (9/1973). Sau khi nền dân chủ được tái lập (1989), Chính phủ Chi-lê chủ động đề nghị Việt Nam khôi phục quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ (9/1990). Ngày 18/7/2001, Việt Nam chấp thuận Lãnh sự Danh dự Chi-lê tại Hà Nội (sau chuyển thành Lãnh sự Danh dự tại TP Hồ Chí Minh). Việt Nam cũng đã mở lại Đại sứ quán và cử Đại sứ thường trú tại Thủ đô Xan-ti-a-gô (10/2003); Chi-lê mở lại Đại sứ quán và cử Đại sứ thường trú tại Hà Nội (11/2004).
Trong thời gian qua, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Chi-lê tiếp tục phát triển theo hướng thực chất và hiệu quả. Lãnh đạo cấp cao hai nước có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống X.Pi-nhê-ra tại Hội nghị Cấp cao APEC 19 (11/2011); Chủ tịch Thượng viện Chi-lê thăm Việt Nam (27/02-04/03/2012). Cơ chế Ủy ban liên Chính phủ được hai bên thỏa thuận sớm khởi động; trao đổi kinh tế - thương mại hai chiều duy trì đà gia tăng trên 30%/năm (năm 2009: 264,1 triệu đô la Mỹ, năm 2010: 385,2 triệu đô la Mỹ và năm 2011 đạt 499 triệu đô la Mỹ). Chính phủ hai nước ký Hiệp định thương mại tự do và hợp tác trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hai bên cũng triển khai hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, trao đổi kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương.
Trong thời kỳ Việt Nam đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam phát triển mạnh ở Chi-lê, điển hình là chuyến thăm Việt Nam và cuộc hội kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh của cố Tổng thống Xan-va-đô A-giên-đê khi đó giữ cương vị Chủ tịch Thượng viện Chi-lê (5/1969), nhằm bày tỏ tình đoàn kết của nhân dân Chi-lê với nhân dân Việt Nam.
Những năm gần đây, quan hệ hai nước phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu. Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao. Về phía Việt Nam có các chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải (10/2002), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (11/2004), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (5/2007), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (9/2009), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (5/2009) và nhiều đoàn cấp Bộ, ngành đã thăm Chi-lê. Về phía Chi-lê có, Tổng thống Ri-các-đô La-gốt (10/2003), Tổng thống Mi-chen Ba-chê-lê (11/2006); Bộ trưởng Ngoại giao Ích-na-xi-ô Gu-a-kơ (1/2006), Phó Chủ tịch Hạ viện Hô-rơ-hê U-giô-a (7/2008), Chủ tịch Thượng viện Ghi-đô Hi-rát-đi La-vin (27/2-3/3/2012) và một số đoàn cấp Bộ/ngành và kinh tế - thương mại đã thăm Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam và Chi-lê đã ký gần 20 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực như kinh tế-thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ, khai mỏ, nông nghiệp, du lịch, văn hóa... Ngày 11/11/2011, Việt Nam và Chi-lê ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Hawai sau 8 vòng đàm phán trong 3 năm. Quan hệ thương mại hai chiều tăng nhanh: từ 18,69 triệu USD năm 2000, 120 triệu USD năm 2005, 385,3 triệu USD năm 2010 và đạt 499 triệu USD năm 2011 (mức tăng trung bình trên 30%/năm trong 3 năm gần đây), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Chi-lê 140,2 triệu USD và nhập khẩu từ Chi-lê là 358,8 triệu USD (tỷ lệ nhập siêu đạt 156%). Việt Nam xuất sang Chi-lê chủ yếu các mặt hàng giày dép, hàng dệt may, cà phê, đồ nhựa, rau quả, đồ gỗ và nhập từ Chi-lê chủ yếu là kim loại màu, thủy sản, gỗ, rượu vang.... Một số nhà đầu tư hàng đầu trong giới ngân hàng, tài chính, công nghiệp, viễn thông và dược phẩm Chi-lê thăm dò khả năng đầu tư vào Việt Nam. Hiện hai nước đang thúc đẩy tiến hành khóa họp I Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Chi-lê (thành lập năm 2007), dự kiến trong năm 2012.
Chi-lê luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ nhiều mặt với Việt Nam, nhất là về kinh tế thương mại; khẳng định coi Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chính sách hướng sang Đông Nam Á; sẵn sàng làm cửa ngõ để hàng hoá Việt Nam đi vào thị trường khu vực; ủng hộ Việt Nam vào Uỷ ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc - ECOSOC (10/1997), gia nhập WTO, làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009; hợp tác và hỗ trợ Việt Nam đăng cai tổ chức năm APEC 2006 và Hội nghị Cấp cao APEC 14 (11/2006). Bên lề Hội nghị Cấp cao APEC 15 (Sydney 2007), Chi-lê tuyên bố công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam cùng cam kết hai nước xúc tiến đàm phán FTA song phương. Việt Nam cũng đã ủng hộ Chi-lê vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc khóa 2008- 2011, khóa 2011-2014 và Chi-lê ủng hộ Việt Nam khóa 2014-2016.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Tổng thống Cộng hòa Chi-lê Xê-bát-xti-an Pi-nhê-ra Ê-chê-ni-kê nhằm trao đổi phương hướng và các biện pháp tăng cường quan hệ đối tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam