UBTV Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng, chống rửa tiền

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền chiều 21/3, UBTV Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp tục lý giải rõ và đầy đủ về cơ quan phòng, chống rửa tiền.

 Điều 40 của dự án Luật sau khi đã tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội quy định mô hình cơ quan thông tin phòng, chống rửa tiền trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, là trung tâm quốc gia có chức năng thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền.

Trên thực tế, cơ quan phòng, chống rửa tiền hiện trực thuộc Ngân hàng Nhà nước có tên là Cục Phòng, chống rửa tiền được thành lập từ năm 2006. Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ quan này có sự phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan, không nảy sinh vướng mắc.

Tuy nhiên, các ý kiến lại cho rằng quy định vẫn chưa làm rõ được vai trò của cơ quan điều tra Bộ Công an trong việc phòng, chống rửa tiền.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng cần viết rõ Trung tâm thông tin này có nhiệm vụ thu thập, xử lý, chuyển giao thông tin về rửa tiền thông qua giao dịch ngân hàng. Đây là một trong nhiều kênh thông tin về phòng chống rửa tiền.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cơ quan Công an cũng có nhiệm vụ thu thập, tổ chức thông tin về rửa tiền để điều tra. Nếu viết như điều luật trong dự án Luật Phòng, chống rửa tiền thì Trung tâm thông tin này nằm trên cả cơ quan điều tra là bất hợp lý.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, nếu quy định như Điều 40 thì không rõ mô hình cơ quan thông tin như thế nào mà chỉ là quy định trách nhiệm của cơ quan đó thôi.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật và giải thích rõ hơn về quy định cơ quan phòng, chống rửa tiền.

Ngoài ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dự án Luật cần liệt kê cụ thể các hành vi bị cấm vì trong dự thảo Luật vẫn còn thiếu. Theo Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu liệt kê đầy đủ các hành vi bị cấm sẽ giúp Luật minh bạch và rõ ràng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với dự luật về nội dung Chính phủ quy định giá trị giao dịch đáng ngờ nhưng phải giải trình rõ hơn thế nào là đáng ngờ, tùy thuộc vào thực tế phát sinh tội phạm rửa tiền.

UBTVQH đề nghị chỉ bảo hiểm tiền gửi cá nhân

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận Báo cáo một số vấn đề lớn của dự Luật Bảo hiểm tiền gửi do Ủy ban Kinh tế trình bày.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí như dự thảo Luật là chỉ bảo hiểm tiền gửi cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi (BHTG) của doanh nghiệp, tổ chức chính trị- xã hội.

Về mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi, đa số đại biểu nhất trí do Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao Ngân hàng Nhà nước quản lý.

Tuy nhiên, ngày 13/1 vừa qua, Chính phủ đã có Tờ trình gửi UBTV Quốc hội đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức BHTG như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2. Theo đó BHTG là tổ chức do Thống đốc NHNN thành lập và quản lý.

Do vấn đề mô hình BHTG còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH đề nghị Ủy ban Kinh tế ghi rõ trong báo cáo để trình Quốc hội cho ý kiến.

Ngoài ra Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý với dự thảo Luật về mô hình hoạt động của BHTG là mô hình chi trả, có chức năng giám sát từ xa và tham gia vào việc thanh lý, xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm; loại hình bảo hiểm sẽ là tiền Đồng chứ không có ngoại tệ, vàng.

Đối với phí BHTG, Thường vụ Quốc hội đề nghị cần quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định phí và giao NHNN quyết định. Hạn mức trả bảo hiểm cần giải trình rõ thêm nhưng UBTVQH thống nhất nên giao Thủ tướng Chính phủ quy định từng thời kỳ theo đề nghị Ngân hàng Nhà nước.

Nguồn www.chinhphu.vn