Khắc phục bất cập chính sách trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Ngày 20/3, tại Vĩnh Phúc, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc nhằm chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc về công tác này diễn ra vào tháng 4 tới.

Ảnh: Chinhphu.vn

 Tình trạng khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp

Theo báo cáo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 4 năm qua (2008 - 2011), các địa phương đã tiếp 370.080 lượt công dân, trong đó có 4.072 lượt đoàn đông người. Các bộ ngành Trung ương đã tiếp 70.912 lượt người, trong đó có 390 đoàn đông người.

Các địa phương đã giải quyết được 21.509/25.213 vụ khiếu nại được tiếp nhận, 9.906/11.455 vụ tố cáo; các bộ ngành đã giải quyết được 10.287/11.704 vụ khiếu nại và 8.543/9.432 vụ tố cáo.

Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã thu hồi cho nhà nước hơn 127 tỷ đồng, 383.855 m2 đất; trả lại cho công dân hơn 30 tỷ đồng và 157.228 m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính 830 người, chuyển 50 vụ việc sang cơ quan điều tra…

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2008-2012 cho thấy, nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, chiếm hơn 70% tổng số vụ việc. Trong đó, tập trung vào việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ khi thu hồi đất như áp giá, kiểm đếm, việc chấp hành trình tự, thủ tục thu hồi, thiếu công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.

Nội dung mà công dân tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền chủ yếu tố cáo cán bộ lợi dụng chức quyền để tham nhũng trong quản lý đất đai, quản lý tài chính ngân sách nhà nước, trù dập người khiếu kiện, bao che cho cán bộ dưới quyền, cố ý làm sai lệch hồ sơ, áp dụng pháp luật không đúng dẫn đến xét xử oan sai, gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

“Nhìn chung, tổng số vụ việc phát sinh hàng năm ở các tỉnh, thành phố phía Bắc có xu hướng tăng dần, tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, có lúc có nơi đặc biệt phức tạp. Đơn thư, vụ việc phát sinh nhiều ở khu vực đô thị, những vùng có nhiều dự án đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, khiếu nại, tố cáo vượt cấp diễn ra khá nhiều, gia tăng đột biến cả về số lượng và tính chất vụ việc trong các thời điểm diễn ra các đợt sinh hoạt chính trị của Trung ương và địa phương”, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho hay.

Cần hoàn thiện hệ thống chính sách minh bạch, đồng bộ

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh yêu cầu, trong thời gian tới, việc giải quyết khiếu nại tố cáo
phải đạt được một số mục tiêu như giảm từ 80% đơn thư trở lên mỗi năm. - Ảnh: Chinhphu.vn

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển nhìn nhận, đất đai là vấn đề phức tạp, đã và đang phát sinh nhiều khiếu kiện, nhưng cơ chế giải quyết khiếu kiện nhìn chung bất cập so với yêu cầu thực tế.

Trong quá trình giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, nhiều nơi chưa nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật nên áp dụng chưa phù hợp, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bên cạnh đó, kỷ luật hành chính chưa nghiêm trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo giải quyết của cấp có thẩm quyền, ý kiến và kiến nghị giải quyết của các bộ ngành Trung ương, làm cho người dân bất bình. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật.

Những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai cũng có nguyên nhân do một số lãnh đạo các cấp chưa sát dân, một số địa phương chưa làm tốt công tác tiếp dân, khiếu nại, tố cáo. Trong khi đó, khi phát sinh khiếu kiện lại không tập trung giải quyết kịp thời, thậm chí né tránh, đùn dẩy.

Từ tình hình đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật minh bạch, đồng bộ, có hướng dẫn cụ thể cho cấp cơ sở. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai thực hiện đúng chính sách, pháp luật trên cơ sở bảo đảm lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Huỳnh Phong Tranh cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến khiếu nại tố cáo phát sinh như chính sách pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu sót, chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển; người dân bị ảnh hưởng đến quyền lợi ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, cố tình gây cho tình hình phức tạp. Đặc biệt, có những vụ việc đã được kết luận của cấp có thẩm quyền, nhân dân đồng tình nhưng địa phương lại không thực hiện, tạo bức xúc lớn trong nhân dân.

Do đó, trong thời gian tới, việc giải quyết khiếu nại tố cáo phải đạt được một số mục tiêu như giảm từ 80% đơn thư trở lên mỗi năm; hạn chế điểm "nóng", đông người, vượt cấp, kéo dài với các biện pháp đồng bộ như quy trình đúng, từ cơ sở và kịp thời.

Để làm được việc này, cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong giải quyết khiếu nại tố cáo từ trên xuống dưới, giữa Trung ương và địa phương; khẩn trương hoàn thiện chính sách pháp luật và thực hiện nghiêm túc, minh bạch; tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác thanh tra, trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm của các cấp, các ngành trên cơ sở thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu, qua đó đánh giá được trách nhiệm của các cấp, ngành.

Nguồn www.chinhphu.vn