Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng nông thôn mới phải chú trọng việc huy động các
nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực trong dân. Ảnh: VNA
Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng thí điểm nông thôn mới trình bày, sau 3 năm thực hiện chương trình, các nội dung xây dựng nông thôn mới đều được triển khai và cơ bản đạt yêu cầu đề ra.
Mô hình nông thôn mới đã được hình thành trên thực tế. Tuy kết quả đạt được ở mỗi xã khác nhau, nhưng sản xuất ở các xã đều phát triển; thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao; hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện; môi trường, cảnh quan nông thôn có bước tiến bộ; bản sắc văn hóa được giữ gìn; trình độ dân trí và chất lượng hệ thống chính trị cơ sở được nâng lên.
Đến cuối năm 2011, có 4/11 xã đạt 18 tiêu chí; 4/11 xã đạt 16 tiêu chí; 2 xã đạt 11-13 tiêu chí, xã khó khăn nhất (Thanh Chăn – Điện Biên) cũng đạt 9 tiêu chí. Các tiêu chí còn lại đều đạt từ 60%-80% yêu cầu; nhiều xã phấn đấu đến năm 2012 sẽ hoàn thành đủ 19 tiêu chí.
Các xã điểm nông thôn mới đang thực sự là nơi để cán bộ, nhân dân nhiều vùng trong nước đến tham quan, học hỏi, và là nơi có sức lan tỏa, khích lệ, thúc đẩy việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới cũng chỉ rõ thực tiễn ở các xã điểm đã kiểm nghiệm về tính hợp lý, đúng đắn của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, khẳng định Bộ tiêu chí là cần thiết để định hướng hành động, là công cụ cho chỉ đạo, kiểm tra, đồng thời là thước đo để đánh giá kết quả phấn đấu, thi đua.
Thực tiễn tại các xã điểm không những đã giúp Chính phủ, các bộ, ngành có cơ sở ban hành và bổ sung nhiều chính sách, cơ chế thiết thực, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các xã điểm, mà còn áp dụng cho triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ra đại trà.
Thực tiễn cũng đồng thời cho thấy một số tiêu chí đã ban hành cần được cân nhắc để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế ở các vùng khác nhau như tiêu chí về kiên cố hóa kênh mương, đường nội đồng; tiêu chí về chợ; về mức tăng thu nhập gấp 1,4-1,5 lần trong vùng; về chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp.
Nêu bật những kết quả quan trọng đạt được trong thực hiện Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, mô hình nông thôn mới tuy đã cơ bản được hình thành, nhưng còn một số tiêu chí chưa đạt được và kết quả chưa vững chắc.
Tổng Bí thư đề nghị phải tiếp tục hoàn thiện mô hình nông thôn mới, đặc biệt là bộ tiêu chí, vì sao có tới 9/11 xã điểm không đạt được tiêu chí về cơ cấu lao động, 5/11 xã chưa đạt được tiêu chí về thu nhập, môi trường, đồng thời phải chú trọng việc huy động các nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực trong dân. Vừa qua, việc huy động nguồn lực xã hội hóa mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng vốn huy động từ dân và doanh nghiệp còn chiếm tỷ lệ nhỏ, vốn vay tín dụng vẫn chiếm tới hơn 53%.
Tổng Bí thư chỉ rõ, sắp tới cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó nội dung xây dựng nông thôn mới được coi là tiêu điểm, là trung tâm. Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, bao gồm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, vai trò quản lý của chính quyền và vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nguồn www.chinhphu.vn