Cá tăng giá, nước mắm lao đao

Sau chuyện xăng dầu tăng giá gây xôn xao, chúng tôi về các xã miền biển Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam) để tìm hiểu về ảnh hưởng trên đối với hoạt động khai thác hải sản. Anh Huỳnh Ngọc Đức, Phó Chủ tịch Hội Nông ngư dân xã Cà Ná khẳng định: “Không hề có chuyện tàu cá nằm bờ, hiện nay ngoài cảng vắng hoe vì các tàu cá đã lên đường hết rồi. Xăng dầu nhích giá có làm chi phí nhiên liệu tăng lên nhưng nhờ cá được giá nên tôi không nghe chủ ghe thuyền nào phàn nàn cả”.

(NTO) Trong hai tháng đầu năm, đặc biệt là tháng 2, nhờ thời tiết thuận lợi, cá cơm và đàn cá nổi xuất hiện dày và đều nên ngư dân Cà Ná đã liên tục “trúng” lớn với sản lượng khai thác đạt trên 2.550 tấn hải sản các loại, trong đó 95% là cá cơm. Riêng trong tháng 3, dù chỉ mới giữa tháng nhưng với nhịp độ đánh bắt đang diễn ra, Cà Ná dự kiến khai thác thêm 1.000 tấn hải sản. Tương tự, ở xã Phước Diêm lân cận, tính từ đầu năm đến nay ngư dân đã tập trung đánh bắt hơn 10.000 tấn cá cơm, đạt 38% kế hoạch cả năm. Cái được của những tháng cuối vụ Bấc này không chỉ sản lượng đạt khá mà kể cả giá bán cũng tăng cao, trung bình mỗi giỏ cá cơm tươi (25 kg) có giá trên 300.000 đồng. Anh Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Phước Diêm phân tích: “Thật ra so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng còn thấp hơn 1,1% nhưng do được giá nên bà con ngư dân rất phấn khởi, vừa qua có hàng loạt tàu thuyền cặp bến là do đã đi biển một thời gian dài, nay biển động cá thưa dần, nên các chủ tàu trở về để chia tiền với lao động trên tàu”.

Sau đợt nghỉ do biển động, tàu thuyền Phước Diêm tiếp tục xuất bến khai thác cuối vụ Bấc.

Theo thống kê, Phước Diêm hiện có 485 tàu cá (tổng công suất 73.997 CV), chiếm 3/4 là tàu công suất từ 90 CV trở lên, với 22 tổ đoàn kết khai thác hải sản gồm 99 tàu (2.656 CV, 1.067 lao động biển). Năng lực đánh bắt của Cà Ná có 310 tàu thuyền (tổng công suất 32.852 CV), trong đó tàu thuyền công suất từ 90 CV trở lên có hơn 150 chiếc (28.449 CV), với 9 tổ đoàn kết (trung bình 5 tàu/tổ). Qua so sánh, có thể nhận ra xã Phước Diêm có lợi thế hơn về năng lực tàu cá. Hầu hết các tàu cá ở Phước Diêm, Cà Ná hành nghề pha xúc, nếu đánh gần bờ (2-3 ngày về) mỗi chuyến tiêu hao bình quân 300 lít dầu, đi xa dài ngày hơn (khoảng tuần lễ) thì mất 700-800 lít dầu. Như vậy với giá dầu tăng thêm 1.000 đồng, chi phí nhiên liệu mỗi chuyến tàu phải cộng thêm trung bình từ hơn 300 ngàn đồng đến hơn 700-800 ngàn đồng. Ông Nguyễn Văn Bông, một ngư dân điển hình ở Phước Diêm, là tổ trưởng của một tổ đoàn kết khai thác hải sản nói: “ Thực tế chúng tôi chưa thấy có tác động gì do giá xăng dầu tăng, vừa rồi lao động biển trên các tàu của Tổ hợp tác của chúng tôi được chia bình quân mỗi người 20-25 triệu đồng, biển “mõn” cá nên tàu thuyền quay về nghỉ ngơi chứ không phải nằm bờ”. Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Đông, Chủ tịch Hội Nông ngư dân xã Phước Diêm, cũng là một chủ tàu cá, cho biết: “Tàu thuyền vẫn đi đánh bắt bình thường ở biển xa, vì vậy tôi nghĩ với giá xăng dầu này chưa phải là điều đáng lo lắm”.

Thực ra điều đáng lo hiện nay chính là tác động từ giá cá cơm tăng cao đối với nghề chế biến nước mắm ở Cà Ná và Phước Diêm. Theo anh Lê Văn Thành, cả xã Phước Diêm có 28 hộ làm nước mắm đều ngưng sản xuất vì không chịu nổi áp lực giá cá. Cà Ná có chừng 39 cơ sở chế biến nước mắm có nhãn hiệu đã đăng ký bán rộng trên thị trường, nay cũng chỉ hoạt động cầm chừng đợi giá cá cơm xuống. Ông Nguyễn Mạnh ở thôn Lạc Nghiệp 1 (Cà Ná), một người đã có trên 40 năm làm nghề chế biến nước mắm chia sẻ: “Với giá cá cơm tươi cao như vậy, nếu mua về muối thì nhà mắm cầm chắc lỗ nên ai cũng phải đợi”. Theo ghi nhận của chúng tôi, điểm đặc biệt của cá cơm trong mùa đánh bắt này là có kích cỡ lớn nên rất được chuộng và được tiêu thụ mạnh, chủ yếu là cung cấp cho 15 cơ sở hấp cá cơm phơi khô trong xã.

Các hộ làm nước mắm ở Cà Ná ngưng sản xuất vì giá cá cơm tươi tăng cao

Tuy nhiên sự lao đao của nghề chế biến nước mắm vào những tháng cuối vụ Bấc được cho là điều hẳn nhiên. Anh Huỳnh Ngọc Đức lý giải: “Đối với nghề chế biến nước mắm, bây giờ là thời điểm trái vụ nên cá cơm cao giá, chỉ có một số hộ nôn nóng muốn có sản phẩm để kịp bán trong mùa hè tới mới vội mua về muối. Còn vào vụ chính Nam, cá cơm xuống giá dần thường còn khoảng 150 ngàn đồng/giỏ, bấy giờ các hộ, cơ sở chế biến mới khởi động làm mắm”. Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân mà chúng tôi hỏi chuyện, với thời tiết thuận lợi này, hứa hẹn vụ Nam tới mật độ cá cơm xuất hiện còn dày hơn. Nhưng nếu vì vậy mà giá cá giảm, ngư dân đánh bắt sẽ gặp khó khăn hay không, đến lúc đó mới có cơ sở đánh giá đúng tác động của xăng dầu tăng giá đối với hoạt động khai thác hải sản.