Giáo dục mầm non: Chuyển mạnh từ bán công sang công lập

Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi ra đời kịp thời, đúng lúc, hợp lòng dân, thể hiện một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, chứng minh tính ưu việt của chế độ ta trong công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, tác động lớn đến sự phát triển của GDMN.

Đề án đã góp phần làm thay đổi sâu sắc nhận thức của lãnh đạo các cấp từ TW đến địa phương và xã hội để phát triển giáo dục mầm non trong những năm tiếp theo. Qua đó khẳng định việc phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi chính là đầu tư cho tương lai của đất nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị - Ảnh Chinhphu.vn

Ngày 15/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 239/QĐ-TTg về phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận chủ trì hội nghị theo hình thức truyền hình trực tuyến tới 62 điểm cầu trên toàn quốc.

Tính đến hết tháng 2/2012, đã có 62/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án/kế hoạch thực hiện PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi (An Giang chưa phê duyệt Đề án này). Trong đó có 10 địa phương quyết tâm hoàn thành mục tiêu phổ cập vào năm 2012 đó là: Hòa Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nghệ An, Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh.

Đã có 11.480 trường (88%) thực hiện chương trình GDMN mới với 3.122.000 cháu (78%); tỷ lệ trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày đạt 78,4%. 95% các địa phương đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý sử dụng và ứng dụng CNTT với 72% giáo viên biết sử dụng và ứng dụng CNTT vào giảng dạy.

Ảnh Chinhphu.vn

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã chủ động lựa chọn, bố trí tương đối đầy đủ giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ năng lực dạy các lớp mẫu giáo 5 tuổi, tổ chức chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày. Tăng cường tổ chức ăn bán trú cho trẻ em 5 tuổi, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi tại các cơ sở GDMN có cha mẹ thường trú tại các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh (120.000 đồng/trẻ/tháng).

Một số mô hình được Hội nghị đánh giá cao là Vĩnh Phúc đã có chính sách miễn học phí cho tất cả các trẻ mầm non nông thôn và vùng miền núi, dân tộc; Khánh Hòa hỗ trợ trẻ em 5 tuổi vùng khó khăn 150.000 đồng/tháng để duy trì bữa ăn cho trẻ tại các trường mầm non. Nhiều tỉnh đã triển khai thực hiện đại trà Chương trình GDMN mới cho 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi (Tuyên Quang, Hải Dương). Đánh giá chung, các trường thực hiện chương trình GDMN mới đã từng bước đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của ngành, giáo viên linh hoạt, sáng tạo trong công việc đổi mới phương pháp, tạo môi trường phong phú cho trẻ em tham gia tích cực các hoạt động.

Nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt việc gom các điểm trường mầm non nhỏ lẻ thành các điểm trường lớn có quy mô và môi trường chăm sóc trẻ 5 tuổi tốt hơn. Tuy nhiên, quy hoạch mạng lưới trường, lớp ở một số địa phương còn hạn chế khi cả nước vẫn còn 15% số xã chưa có trường mầm non độc lập (hiện còn thiếu 23.379 phòng học). Tỷ lệ phòng học kiên cố mới đạt hơn 48%, số phòng học nhờ, học mượng chiếm 18%. Tiến độ xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia còn chậm (cả nước mới có khoảng 20% số trường đạt tiêu chuẩn này).

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm một lớp mẫu giáo tại xã Sín Chéng, Simacai,
Lào Cai tháng 9/2010 - Ảnh Chinhphu.vn

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng cùng với quá trình chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập, các địa phương đã có lộ trình tuyển dụng giáo viên vào biên chế, hỗ trợ lương cho giáo viên mầm non ngoài biên chế để từng bước đảm bảo chế độ chính sách cho giáo viên. Ngoài ra cần xây dựng chế độ tốt hơn đối với đội ngũ cấp dưỡng tại các trường mầm non. Vì trên thực tế thu nhập của giáo viên mầm non do UBND xã ký hợp đồng còn rất thấp, tiềm ẩn việc giáo viên bỏ nghề tại các vùng khó khăn.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định với chủ trương và giải pháp cụ thể, khả thi và mang tính nhân văn sâu sắc của Quyết định 239 đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội với đồng thuận cao. Với sự nỗ lực của hàng trăm ngàn giáo viên mầm non, sự đồng thuận, hợp lòng dân của nhân dân cả nước và sự chỉ đạo rất quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương thì những kết quả ban đầu đã củng cố niềm tin việc hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi đã đáp ứng yêu cầu của Đề án.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao việc chuyển đổi mô hình từ bán công sang công lập với 3.500 trường trên toàn quốc, tuy nhiên vẫn còn 967 trường chưa chuyển đổi xong. Phó Thủ tướng đề nghị phải tập trung rà soát và chuyển đổi sang trường công lập trong năm 2012, chậm nhất là đầu năm 2013 hoàn thành việc chuyển đổi. Thanh Hóa là địa phương có trên 500 trường bán công chậm chuyển đổi sang mô hình công lập.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự quyết liệt trong chỉ đạo từ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Kinh nghiệm cho thấy, phải thực hiện giao ban thường xuyên hàng tháng để đôn đốc, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực hiện giáo dục mầm non.

Phó Thủ tướng giao các địa phương cần có tiêu chí phấn đấu, theo đó ít nhất phải có từ 1 đến 2 xã có trường mầm non đạt chuẩn. Phó Thủ tướng đề nghị một số địa phương ( kể cả các thành phố lớn như Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nội…) cần cân nhắc, tham khảo và rà soát lại việc đăng ký phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi sau năm 2013.

Phó Thủ tướng đề nghị cần điều chỉnh lại thời gian đăng ký sớm hơn. Một số tỉnh nghèo và khó khăn như Quảng Trị, Hòa Bình lại đăng ký hoàn thành sớm PCGDMN 5 tuổi vào năm 2012 hoặc 2013. Tỉnh Thái Bình, Hòa Bình là 2 địa phương được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biểu dương khi triển khai thực hiện QĐ 239 trong 2 năm qua với nhiều kết quả tích cực.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT sớm triển khai xây dựng trang web chuyên sâu về mầm non 5 tuổi trên Báo GD-TĐ và Cổng TTĐT của Bộ GD-ĐT để đưa những điển hình tiên tiến để nhanh chóng nhân rộng những mô hình mới, kinh nghiệm hay.

Cả nước hiện có 12.976 trường mầm non, trong đó 9742 trường công lập (75%), 1798 trường bán công (14%), 316 trường dân lập và 1120 trường mầm non tư thục (11%), tăng 610 trường so với 2 năm trước. Trong 2 năm qua, đã tuyển dụng thêm 24.000 GVMN, đã có 111.496 giáo viên mầm non tại 63 tỉnh, thành phố được ngân sách trả lương theo định kỳ theo thang bảng lương. Toàn quốc hiện có 3.966.980 trẻ mầm non tới trường, tăng 158.782 trẻ so với thời điểm ký Quyết định 239 QĐ/TTg năm 2010.
Nguồn www.chinhphu.vn