Trung Quốc: Nỗ lực giảm lạm phát

Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc, lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 2 là 3,2%, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 7-2010.

Kích thích đầu tư

Lạm phát ở mức 3,2% khả quan hơn so với con số 4% mà Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã vạch ra cho năm 2012. Theo Reuters, kết quả này cho phép các nhà hoạch định chính sách có cơ hội thuận lợi để nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Đây cũng là cơ sở để các nhà quản lý tiếp tục tăng lương cơ bản và nới lỏng các biện pháp kiểm soát giá cả đối với các nguồn lực như năng lượng và nước sạch.

 
Kiềm chế lạm phát giá thực phẩm là một trong những cách thiết thực để bảo vệ quyền lợi người dân. Ảnh: AFP

Theo dự báo của nhà chiến lược Patrick Bennett của Ngân hàng Imperial Bank of Commerce (Canada), Chính phủ Trung Quốc trong năm nay cũng có thể sẽ tiếp tục hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng như lãi suất chủ chốt với mục tiêu khuyến khích đầu tư vào thị trường sôi động của nền kinh tế mới nổi nhưng lại được xếp vị trí thứ hai thế giới về GDP này.

Chống lạm phát

Với nhiệm vụ chống lạm phát, Trung Quốc đã có chiến lược kéo mức lạm phát từ đỉnh 6,5% vào tháng 7-2010 trở về mức hiện nay. Thứ nhất là nhờ các công cụ hành chính được đưa ra để giải quyết bế tắc trong các hàng hóa thuộc lĩnh vực nông nghiệp: thịt heo, dầu ăn, rau xanh, thuốc trừ sâu… Lạm phát giá thực phẩm ở mức cao nhất là 15% vào giữa năm 2011 nay giảm còn 10%. Thứ hai, tỷ lệ dự trữ bắt buộc liên tục được điều chỉnh để làm chậm tăng trưởng tín dụng. Trong năm 2011, tỷ lệ này được điều chỉnh 12 lần. Tăng trưởng các khoản vay bằng đồng nhân dân tệ giảm từ mức 19,9% năm 2010 xuống mức 15,8% trong năm 2011.

Trong khi đó, tăng trưởng tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ từ mức 20,2% năm 2010 xuống 13,5% vào năm 2011. Ngày 24-2 vừa qua, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 50 điểm cơ bản nhằm nới lỏng khó khăn về vốn cho hệ thống ngân hàng. Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng trên sẽ còn 20,5%. Thứ ba, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nâng lãi suất 5 lần trong năm 2011. Động thái này được cho là vô cùng quan trọng vì nếu không có quyết định này, tình hình lạm phát càng căng thẳng hơn nữa.

Các cách tiếp cận trên cùng với việc nâng giá đồng nhân dân tệ là phương án bình ổn chính sách mà Chính phủ Trung Quốc lựa chọn theo đuổi để kiềm chế lạm phát.

Chuyển hướng để cân bằng

Nhiều tháng qua, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm chạp vì nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của châu Âu đối với hàng hóa Trung Quốc xuống rất thấp. Các nước châu Âu đang trong giai đoạn khó khăn khi phải đối phó với khủng hoảng nợ công trầm trọng, đi cùng với hàng loạt chính sách thắt lưng buộc bụng khiến người dân ngày càng e dè chi tiêu.

Bài viết trên tờ Financial Times đăng cuối tháng 2 vừa qua có tựa đề “Những nền kinh tế mới nổi nên cùng nhau chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất” có nhắc đến việc Trung Quốc đang trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế chậm lại trong bối cảnh kinh tế Mỹ và châu Âu đang suy thoái. Nguyên nhân này cùng với nhiệm vụ hãm phanh lạm phát khiến Chính phủ Trung Quốc không thể không hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Trong bài phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại một phiên họp thường niên của Quốc vụ viện ngày 4-3 vừa qua, ông cho biết chính phủ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 7,5%, thấp nhất kể từ năm 2004. Được biết, từ năm 2005-2011, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc luôn từ 8% trở lên. Rõ ràng, những nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang thể hiện quyết tâm chuyển hướng nền kinh tế từ chỗ dựa vào xuất khẩu sang đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.

Hãng tin tài chính Dow Jones Newswires ngày 9-3 cho biết, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm đã tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tỷ lệ đầu tư tài sản cố định trong hai tháng qua tăng 21,5% (dự đoán trước đó là 19%) so với cùng thời điểm năm ngoái.

Nguồn Báo SGGP Online