(NTO) Trong sản xuất, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng như: sử dụng giống năng suất cao, chất lượng tốt; tiến bộ kỹ thuật về thâm canh lúa nước; về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Đặc biệt, từ năm 2005 đã bắt đầu áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng” và đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Các mô hình đều cho năng suất cao hơn so với tập quán sản xuất khoảng 5-10%, giảm chi phí đầu vào khoảng 10%. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn những hạn chế, nhất là việc sử dụng nước tưới chưa hợp lý; thất thoát sau thu hoạch còn lớn,…
Nông dân xã Phước Hà, huyện Thuận Nam thu hoạch lúa.
Ảnh: Sơn Ngọc
Áp dụng tiến bộ kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” cho thấy có điều kiện khắc phục những hạn chế trên, tức là giảm lượng giống gieo, giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch, qua đó tiết kiệm chi phí sản xuất hơn so với mô hình “3 giảm, 3 tăng” nhưng vẫn đảm bảo tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, cũng như sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái.
Năm 2011, Hội đồng Khoa học công nghệ (KHCN) tỉnh đã thông qua 2 dự án nghiên cứu triển khai: dự án cấp tỉnh: “Ứng dụng tiến bộ KHCN “1 phải, 5 giảm” trong thâm canh lúa tại huyện Ninh Phước, và 1 dự án cấp huyện: Ứng dụng các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp trong thâm canh cây lúa tại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam.
Mô hình “Ứng dụng tiến bộ KHCN “1 phải, 5 giảm” trong thâm canh lúa tại huyện Ninh Phước với tổng kinh phí thực hiện trên 300 triệu đồng, triển khai cho 20 ha tại thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu do Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh thực hiện đã thực sự là một trong những mô hình có hiệu quả thiết thực nhất. Nhờ áp dụng đúng quy trình “một phải” đó là, phải sử dụng giống cấp xác nhận, với giống lúa ML202 có xác nhận, chất lượng cao (giống đạt tiêu chuẩn về độ thuần, độ sạch, tỷ lệ nẩy mầm...đồng thời “5 giảm”, đó là giảm lượng hạt giống; giảm bón thừa (dư) phân đạm; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học; giảm lượng nước tưới; giảm thất thoát sau thu hoạch... Thực tế áp dụng mô hình trên diện tích 20 ha lúa trong 2 vụ đông-xuân và hè-thu năm 2011 tại thôn Trường Thọ thay đổi rõ rệt. Theo ghi nhận thực tế, áp dụng đúng phương pháp “1 phải, 5 giảm”, thu nhập đạt được bình quân trên 39 triệu đồng/ha (so với cách làm bình thường của nông dân chỉ trên 28 triệu đồng/ha). Kết quả thực tế trên đã được người dân xã Phước Hậu áp dụng và nhân rộng ở 30 ha trong vụ đông-xuân đầu năm 2012. Tại buổi làm việc với lãnh đạo xã Phước Hậu về xây dựng nông thôn mới, ngày 9-12-2012, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo địa phương cần quan tâm lãnh đạo và vận động bà con nông dân tiếp tục nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” lên thành cánh đồng mẫu cho toàn tỉnh trong thời gian đến.
Bên cạnh đó, trong năm 2011, từ nguồn vốn nghiên cứu KHCN cấp huyện cũng đã hỗ trợ thực hiện dự án: Ứng dụng các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) trong thâm canh cây lúa tại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam với tổng kinh phí trên 189,2 triệu đồng. Quy trình ICM trên cây lúa kết hợp việc giảm được lượng giống gieo sạ 100 kg/ha so với tập quán sản xuất của nông dân; tiết kiệm được 10% phân đạm; giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật là 3- 4 lần/vụ; năng suất ruộng mô hình cao hơn ruộng sản xuất theo tập quán nông dân từ 615kg – 990kg/ha; chênh lệch lãi cao hơn so với ruộng tập quán sản xuất của nông dân từ hơn 5,1 triệu đồng đến gần 6,1 triệu đồng/ha. Áp dụng mô hình ICM tại Phước Hà, hiện nay cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, nông dân rất phấn khởi và đã thấy rõ hiệu quả ngay khi áp dụng khoa học-kỹ thuật vào việc thâm canh cây lúa nước.
Có thể đây là hướng đi hiệu quả và phù hợp với tình hình phát triển nông nghiệp hiện nay của tỉnh, tuy cây lúa không phải là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng nếu biết áp dụng tốt các biện pháp khoa học-kỹ thuật sẽ giúp nông dân ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng, ổn định trong sản xuất, nâng giá thành sản phẩm, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Thanh Hưng