Lao đao vì cây hành, tỏi hư hại

Vào thời điểm này, nông dân ở các xã Nhơn Hải, Thanh Hải và Vĩnh Hải đang bước vào vụ thu hoạch rộ cây hành tím, cây tỏi vụ bấc năm 2012. Tưởng chừng sẽ bội thu, nào ngờ năng suất kém, nhiều nông dân cho rằng cây trồng bị hư hại là do các đại lý cung ứng thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng!

(NTO) Nông dân lỗ nặng

Lâu nay, các xã Nhơn Hải, Thanh Hải và Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải được xem là “thánh địa” của cây hành tím, cây tỏi tại tỉnh ta. Chất lượng hành, tỏi ở đây nổi tiếng cả nước vì hương vị riêng có của nó. Nhưng trong vụ bấc năm nay (từ tháng 9 ÂL đến tháng 2 ÂL), nhiều hộ phải dở khóc, dở cười vì cây hành, cây tỏi thất mùa, chất lượng sụt giảm và hư hại nặng.

 
Phần lớn cây tỏi bị héo ngọn và ngã rạp xuống đất.

Thanh Hải có bốn thôn: Mỹ Phong, Mỹ Hiệp, Mỹ Tân 1 và Mỹ Tân 2, với 1.944 hộ, trong đó có gần 40% số hộ trồng hành, tỏi. Nếu vụ bấc năm 2011 có 40 ha trồng cho năng suất là 1.324 tấn, vượt gần 500 tấn so với chỉ tiêu, thì vụ bấc năm 2012, ước thu hoạch chỉ bằng phân nửa. Ngày 25-2, chúng tôi đến xã Thanh Hải, chứng kiến cảnh nông dân ngao ngán vì hành, tỏi năng suất thấp, chất lượng kém. Các thương lái không muốn thu mua sản phẩm.

Trong căn lều dựng giữa rẫy, ông Đào Lợi, 62 tuổi, ở thôn Mỹ Phong, nói: “Vụ trước, tôi trồng 1,5 sào, thu nhập hơn 150 triệu đồng, trừ hết chi phí còn lãi 60 triệu đồng. Năm nay bị hư hại gần hết, lỗ khoảng 70 triệu đồng”. Cùng đi thăm ba sào tỏi của gia đình đang nằm ngã rạp dưới đất, ngọn héo úa, anh Đào Hùng, bộc bạch “Mấy ngày trước, khi nhổ cây lên xem, tôi giật mình. Thường thì củ tỏi có hàng chục múi và nhân tỏi chắc nịch. Nay, củ tỏi chỉ duy nhất một múi to bằng ngón chân cái, nhưng bên trong toàn là nước, không phải nhân tỏi. Tưởng chỉ có một vài cây, nào ngờ 90% diện tích trồng đều như vậy. Vụ này lỗ nặng thôi”. Và hầu như mấy chục ha trồng tỏi của bà con ở đây đều chung cảnh ngộ.

Ngược về thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, nhiều hộ đang thu hoạch hành tím cũng ngán ngẫm trước cảnh củ hành không đạt chất lượng, năng suất thấp, nên nhổ hành chất đống trên các lãnh trồng. Chị Lưu Thị Hoa đang thuê năm người đến thu hoạch ba sào hành tím, nói: Năm nay, giá hành giống rẻ phân nửa so với năm trước (11 nghìn đồng/kg). Tính cả tiền đầu tư giống, phân, thuốc và thuê công làm cỏ trong ba tháng rưỡi, mỗi sào chi phí khoảng 23 triệu đồng. Vụ này, thu hoạch mỗi sào khoảng 1,2 tấn củ hành tươi (chỉ đạt 1/3 năng suất so với vụ trước) và bán từ 9 đến 11 nghìn đồng/kg, xem như mỗi sào lỗ hơn chục triệu đồng.

“Nữ hoàng hành tím” Nguyễn Thị Tám, 54 tuổi, tính nhẫm rồi nói: - Thường thì vụ bấc cho năng suất từ 3 đến 4 tấn /sào, nhưng năm nay thì bà con thua hết rồi. Tui làm hành từ thời còn trẻ đến giờ mới thấy bà con lỗ nặng nề như vậy.

Tại thôn Mỹ Hòa, xã Vĩnh Hải, hàng trăm hộ cũng điêu đứng vì năng suất hành kém và củ tỏi bị “túi nước”.

Tìm hiểu nguyên nhân

Nhiều nông dân cho biết có nhiều nguyên nhân, nhưng đa phần ý kiến là vì sử dụng một số thuốc bảo vệ thực vật giả hoặc kém chất lượng do các đại lý phân thuốc trong làng vừa tiếp thị trong vụ này. Năm nay, do biến đổi khí hậu nên hầu hết diện tích trồng hành, tỏi của bà con cùng lúc xuất hiện nhiều loại rầy phá cây hành, tỏi khi xuống giống khoảng 21 ngày. Những vụ trước, nông dân sử dụng các loại thuốc USATABON, SEAWEIO… chỉ phun thuốc khoảng ba tuần thì hết rầy. Tiếp tục tưới nước ổn định cho đến khi thu hoạch, đạt năng suất cao. Riêng năm nay, các đại lý cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương đột ngột chuyển sang tiếp thị một số nhãn hiệu thuốc nước, thuốc bột mới, như: AGRITOC 550EC (loại 480ml), TABON (gói bột)…bán với giá cao gấp hai đến ba lần so với các loại thuốc cũ. Nào ngờ phun thuốc mới làm cây chết rụi (!). Nông dân Đào Lợi đưa cho chúng tôi xem một chai thuốc bảo vệ thực vật hiệu AGRITOC 550EC (loại 480ml) của Công ty Cổ phần Vật tư bảo vệ thực vật Hà Nội, trụ sở 131A, Vĩnh Hồ, Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội đăng ký và phân phối sản phẩm. Theo nhiều nông dân, đây là một trong những loại thuốc được các đại lý tiếp thị bán với giá 240 nghìn đồng/bình mà bà con đã mua để diệt rầy. Nhưng sau khi phun thuốc này khoảng 10 đến 15 ngày, hầu như toàn thân cây tỏi bị héo và ngã rạp. Kể cả cây ớt trồng xen kẽ trong diện tích này cũng bị tương tự. Dựa vào diễn biến trên, người dân nghi ngờ hành, tỏi bị hư là do phun loại thuốc nêu trên.

Đồng chí Phạm Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết: Địa phương đang phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tìm hiểu nguyên nhân. Nhưng qua theo dõi diễn biến ban đầu, cây bị hư hại có khả năng là do thuốc bảo vệ thực vật gây ra. Hiện tại, một số hộ còn tích lũy các loại thuốc cũ, như: USATABON, SEAWEIO… để diệt rầy, thì hầu như diện tích trồng không bị hư hại. Thậm chí trên cùng vùng đất sản xuất, có hộ sử dụng thuốc diệt rầy cũ, phun riêng một số lãnh trồng, nhưng do hết thuốc nửa chừng đã mua loại thuốc bảo vệ thực mới để phun cho diện tích còn lại. Kết quả là những lãnh phun thuốc mới bị hư hại hết.

Với những gì mà chúng tôi đã phản ảnh cho thấy, người dân trồng hành, tỏi đang khốn đốn vì bị thiệt hại, thua lỗ nặng nề. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân, để không lặp lại tình cảnh này trong những vụ trồng sắp tới.