Đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp

Thời điểm này, tại các địa phương, cây lúa đang trong giai đoạn làm đòng nên rất cần nước. Điều tiết nước hợp lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là một trong những yêu cầu để ổn định sản xuất trước tình hình thời tiết dự báo sẽ khô hạn kéo dài trong năm nay.

(NTO) Theo Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi, đến thời điểm này, nguồn nước tại các hồ chứa đều ở mức thấp. Tại hồ Sông Sắt mức nước hiện ở mức 37 triệu m3, hồ Sông Trâu 13 triệu m3, hồ Tân Giang 5 triệu m3, thấp hơn nhiều so với thể tích thiết kế và chỉ tương đương mức 50-60% so với cùng kỳ năm 2011. Đặc biệt một số hồ như hồ Ông Kinh, hồ Bàu Ngứ, mực nước đã xuống rất thấp gần ở mực “nước chết”. Trong khi đó, tình hình thời tiết hiện nay đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi, gió và khí hậu khô hanh làm nước tại các hồ chứa và trên đồng ruộng bốc hơi nhanh; lượng nước tưới phục vụ cho sản xuất phải điều tiết thường xuyên, liên tục trong khi nguồn nước từ lưu vực về hồ giảm. Do đó nếu không có kế hoạch điều tiết nước hợp lý và sử dụng tiết kiệm thì nguy cơ thiếu nước tưới trong thời gian tới rất dễ xảy ra.

Công trình thủy lợi hồ Sông Trâu hiện còn 13 triệu mét khối nước phục vụ tưới vụ đông xuân cho nông dân huyện Thuận Bắc.
Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Trần Văn Hường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi, cho biết, kế hoạch sản xuất vụ đông-xuân và hè-thu năm nay tổng diện tích gieo trồng của tỉnh tăng cao, với nhu cầu phục vụ tưới trong hai vụ lên đến trên 63.730 ha, tăng trên 100%, trong đó cây lúa chiếm 75% diện tích tưới. Cụ thể, vụ đông – xuân này là 22.347ha và vụ hè – thu tới là 20.003 ha. Như vậy để thực hiện kế hoạch sản xuất, Công ty đã triển khai cho các trạm thủy nông ứng trực thường xuyên để theo dõi cập nhật tình hình nguồn nước, điều tiết nước tưới theo lịch sản xuất đã thống nhất với các địa phương. Với phương châm sử dụng nước tiết kiệm, tận dụng triệt để nguồn nước thủy điện từ hồ Đơn Dương trong vụ sản xuất đông- xuân, khi cần thiết mới điều tiết tăng cường nguồn nước từ hồ Sông Sắt, Trà Co cho vùng hạ lưu.

Để tiết kiệm nước hiệu quả, các trạm đã chủ động cấp nước đồng loạt tại thời điểm làm đất gieo sạ để giảm nguồn nước tưới trên đồng ruộng và tận dụng nguồn nước hồi quy, rút ngắn thời gian làm đất nhằm tiết kiệm nước. Bên cạnh đó thực hiện các biện pháp tưới đồng thời, xen kẽ luân phiên cho các kênh đối với hệ thống đập dâng Nha Trinh-Lâm Cấm, Sông Pha, các hồ chứa Sông Sắt, Sông Trâu và Tân Giang. Các hồ khác tưới điều tiết, tưới luân phiên theo lịch gieo trồng đã thống nhất với các địa phương nhằm tránh lãng phí nguồn nước.

Riêng đối với vụ hè-thu, nếu không có mưa sớm phải có phương án chống hạn và đề nghị các địa phương chuẩn bị phương án chống hạn cho các vùng sản xuất cuối nguồn nước. Bám sát lịch đóng nước nạo vét kênh mương năm 2012 và lịch điều tiết nước để chủ động điều chỉnh hợp lý nhằm tiết kiệm nước để sản xuất vụ hè-thu đạt kết quả tốt nhất.

Ông Dương Tấn Ngọc, Trưởng Trạm Thủy nông Ninh Phước cho biết: Để sử dụng nguồn nước hiệu quả trong sản xuất, các địa phương cần củng cố các tổ chức dùng nước như tổ, đội thủy nông nội đồng, phối hợp chặt chẽ với trạm thủy nông thực hiện việc điều tiết nước hợp lý. Mặt khác, huy động nhân lực nạo vét kênh nội đồng trong thời gian đóng nước để chiến dịch duy tu bảo dưỡng công trình kênh mương được tiến hành đồng loạt từ đầu mối đến mặt ruộng, nhằm tiết kiệm thời gian tưới và nguồn nước các hồ chứa. Các khu dân cư ở dọc hai bên bờ mương và gần các công trình thủy lợi địa phương cần tuyên truyền thực hiện nghiêm pháp lệnh bảo vệ, khai thác công trình thủy lợi, giữ môi trường xanh, sạch cho dòng kênh nước đi qua khu dân cư, không lấn chiếm, vứt rác xuống dòng kênh gây ô nhiễm nguồn nước ở hạ lưu.

Tin rằng với sự điều tiết nước hợp lý, sự ý thức của người dân trong việc tiết kiệm nước và chủ động kế hoạch thời vụ sẽ mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.