Ở Quảng Bình cá vược có mặt ở hầu hết các dòng sông lớn; tuy nhiên nhiều nhất vẫn là khúc sông Son trước hang động Phong Nha – Kẻ Bàng. Ở đó, sông sâu, lắm gành đá là nơi trú ngụ lý tưởng của loài “cọp” này. Cá vược lớn, thịt thơm ngon, đặc biệt bộ lòng của nó khiến cho mỗi thực khách khi đến Phong Nha – Kẻ Bàng đã lỡ nếm thử một lần thì lần sau quay lại nhất định sẽ phải ăn cho bằng được mới thôi.
Cái xỉa 3 chấu mà anh Phương dùng để săn cá vược trên sông Son.
Thợ săn “cọp nước”
Cá vược có giá trị kinh tế cao; thế nhưng ở Quảng Bình số người làm nghề đánh bắt loài cá này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay tại xã Sơn Trạch - quê hương của loài cá vược cũng chỉ có một vài người làm nghề này; bởi theo họ chỉ có những người sát cá, dám đương đầu với sông nước và lặn giỏi mới theo được. Để bắt cá vược, những người thợ săn phải chấp nhận cuộc sống dưới đáy sông hay hàng đêm trời thức trắng...
Chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Thanh Phương (38 tuổi) ở thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch (Bố Trạch) là một thợ săn “cọp nước” nổi tiếng ở vùng sông di sản. Theo anh Phương, có 2 cách bắt cá vược mà anh và những đồng nghiệp hay dùng: Một là lặn sâu xuống đáy sông tìm những gành đá là nơi cá vược thường trú ngụ, phục cho con cá xuất hiện rồi bắn tên. Đây là cách bắt cá vược vào ban ngày.
Bắt cá theo cách này, anh dùng một khẩu súng gỗ thon dài cỡ gần 1m được gọt đẽo trơn tru, nặng chừng 1kg. 2/3 thân súng phía đầu nòng được buộc 4 sợi dây cao su cố định, còn phần đuôi thân súng được gài một thanh hãm làm cò. Vũ khí để sát thương cá là hai mũi tên nhọn hoắt, nhỉnh hơn chiếc đũa, dài 1m được làm bằng inox. Đuôi mũi tên được cột chặt với một sợi dây nối với hai chiếc phao to bằng hai nắm tay làm hiệu.
Khi tên găm vào cá, cá có thể vùng vẫy, bơi nhưng với sợi dây bám vào mũi tên và kèm theo phao báo hiệu nên cá bơi đến đâu cũng không thể thoát được. Ngoài dụng cụ chủ yếu là cây súng gỗ và hai mũi tên ra còn đôi chân nhái; kính lặn để nước khỏi vào mắt và một ống nhựa dài nối trên mặt nước để thở...
Cách thứ hai mà những thợ săn cá vược vẫn làm là soi. Cách này đỡ và nguy hiểm hơn vì không phải lặn xuống sông nhưng họ thường phải thức trắng đêm. Đặc tính của loài cá vược là kiếm ăn vào ban đêm; thường là nửa đêm về sáng.
Nắm được đặc điểm này, những người thợ săn thường dùng đò nhỏ và đèn rọi loại cực sáng nhẹ nhàng chèo đến những bãi bồi là nơi cá vược thường lên bắt các loài cá nhỏ, tôm, cua để ăn.
Theo anh Phương, ban đêm, cá vược có đôi mắt cực sáng, phát quang như mắt mèo nhưng gặp phải ánh đèn soi quá sáng là nó đóng đèn không cựa quậy. Khi đó những người thợ săn sẽ từ từ chèo đò lại và dùng chiếc xỉa 3 chấu có ngấn dài lao vào con cá...
Vật lộn nửa ngày với “cọp” khủng
Anh Phương kể, trong cuộc đời làm thợ săn cá vược của mình, anh đã bắt được rất nhiều con cá vược lớn từ 20 đến 30kg, nhưng chưa lần nào thấy con cá vược lớn như lần mới đây.
Hôm đó khoảng 2 giờ sáng, Phương cùng người em trai chèo chiếc đò nhỏ lướt nhẹ trên sông Son để soi cá. Màn đêm đang tĩnh mịch, bỗng 2 anh em nghe tiếng quẫy lớn vang lên từ phía bãi bồi phía bắc bờ sông. Cú quẫy mạnh tới mức làm sóng nước đánh ập vào bờ và làm con đò của Phương tròng trành.
Biết là có con cá to đang bắt mồi, 2 anh em nhẹ nhàng chèo đò lại gần nơi phát ra tiếng động. Cách chừng 50m, Phương đã phát hiện ra 2 đốm ánh sáng xanh lè phản quang khi anh rọi đèn vào. “Cá vược, con này chắc khủng lắm!”, Phương mừng run chân nói nhỏ với người em.
Cá vược ở khúc sông Son.
Khi chiếc đò tiến gần lại cách 2 đốm sáng chừng 3m, vừa tầm tay, Phương dùng hết sức mạnh vào cây xỉa 3 chấu dài chừng 3m lao vào con cá. Phập, cái xỉa đã cắm sâu vào con cá. Đang đóng đèn, con cá quẫy mạnh và lao ra giữa sông Son. Do đầu cây xỉa đã được nối sợi dây với chiếc đò, nên con cá lôi luôn chiếc đò lao nhanh trong nước; máu cá đỏ loang rộng cả một vùng. Phải khó khăn lắm hai anh em Phương mới giữ cho chiếc đò nhỏ khỏi lật giữa dòng sông.
Chừng 2 tiếng đồng hồ sau, chiếc đò bắt đầu trôi chậm lại. Hai anh em Phương bắt đầu lôi sợi dây kéo con cá, chèo đò áp sát vào bờ...Thế nhưng, cứ đến gần bờ, con cá lại quẫy mạnh, lôi tuột chiếc đò ra giữa sông. Hết lần này đến lần khác, cuối cùng anh em Phương cũng đưa được con cá đã kiệt sức lên bờ khi mặt trời đã quá ngọn sào...
Nghe tin anh Phương bắt được cá khủng, người dân thôn Xuân Tiến kéo nhau ra xem đứng chật cả một khúc sông Son. Các chủ nhà hàng quanh vùng Phong Nha – Kẻ Bàng cũng nhanh chân có mặt. Mệt lả, người ướt sũng và trở nên nhác nhớn, anh Phương đã bán con cá vược nặng tới 45kg mà mình vừa bắt được chỉ với giá 6,6 triệu đồng cho nhà hàng. Và nghe nói, chỉ sau một ngày, chủ nhà hàng đó đã thanh toán xong con cá vược cho thực khách sành ăn và thu về khoản lời gấp 3 lần cái giá mà nhà hàng đã mua của anh Phương...
Sinh nghề tử nghiệp...
Theo anh Phương, nói có 2 cách bắt cá vược là lặn xuống sông và đi soi, nhưng trên thực tế đi soi rất hiếm khi bắt được cá (chỉ những người may mắn) còn phần lớn người thợ phải lặn xuống sông mới mong bắt được nhiều cá, sống nổi với nghề.
Tôi theo hai anh em Phương “săn cá” ở bến phà Xuân Sơn (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch). Họ chèo thuyền ra giữa sông, người em ở lại trên đò, còn Phương thì đeo ống thở, cầm cây súng săn, lặn ngoẳng xuống vũng nước sâu và xiết. Hàng giờ đồng hồ ở đáy sông, nhưng sự liên hệ với sự sống trên mặt nước chỉ là sợi dây mong manh buộc ngang người nối với chiếc đò.
“Em ở trên nhìn sợi dây cựa thì biết dưới nước anh Phương ra sao, khi dây giật theo tín hiệu cấp cứu thì em kéo anh Phương lên. Thế nhưng, cũng không ít lần ống thở bị hở, anh Phương bị ngạt nước, may mà kéo lên kịp” – người em kể.
Anh Phương cho biết, hai anh em anh kế thừa nghề săn cá vược từ người ông ngoại. Cả nhà anh và cả làng Xuân Tiến nhiều người có sức khỏe, lặn giỏi, nhưng rất ít người theo nghề này, bởi đó là một nghề vất vả và nguy hiểm. “Biết sinh nghề tử nghiệp, nhưng tới đây chắc em cũng phải bỏ nghề thôi vì sức khỏe không còn cho phép. Do phải lặn ngụp; thức trắng và tiếp xúc với ánh sáng mạnh nhiều nên bây giờ tai em đã ù và mắt em đã mờ dần” – Phương thở dài.
Nguồn danviet.vn