Nguyễn Khuyến có tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự Miễn Chi. Ông sinh giờ Tý, 15/ 11/ 1835 (tức ngày18 tháng giêng năm Ất Mùi), tại làng Ngòi, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên (Nam Hà), là con trai của cụ Nguyễn Tông Khởi (có sách ghi là Nguyễn Liễn) và Bà Trần Thị Thoan. Có thể nói, Nguyễn Khuyến xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo, hai bên nội ngoại đều có truyền thống khoa bảng. Cụ bốn đời Nguyễn Khuyến là Nguyễn Tông Mại, đỗ tiến sĩ, làm quan đến Hiến sát sự Thanh Hoá. Cha ông cũng theo đời Nho học, đỗ ba khoa tú tài, chuyên nghề dạy học.
Thuở nhỏ, Nguyễn Khuyến học với cha. năm lên 8 tuổi, ông theo gia đình về sống ở quê nội ở làng Và, xã Yên Đỗ, huyện Bình Lục. Năm 1825, ông đi thi Hương lần thứ nhất cùng cha, song không đỗ. Năm sau, địa phương có dịch thương hàn, ông mắc bệnh suýt chết. Cha và em ruột, bố mẹ vợ chồng cùng nhiều họ hàng thân thuộc đều qua đời vì bạo bệnh. Gia đình ông lâm vào cảnh tiêu đều xơ xác, đời sống ngày càng đói rét. 1852, ông lấy cô Nguyễn Thị Lụa – con gái ông Nguyễn Gia Thung ở cùng làng rồi cùng cha đi thi Hương. Nhà nghèo, không tiền lai kinh, vợ ông phải 175 bán cái yếm được năm quan để chồng đi thi nhưng ông không đậu. Năm sau, cha chết vì thương hàn, ông muốn bỏ học đi dạy học nhưng mẹ ông không đồng ý. Hai người phụ nữ, một người mẹ 60 tuổi và moät người con dâu mới vẫn cặm cụi dệt vải thuê kiếm tiền nuôi con, nuôi chồng ăn học. nhưng trớ trêu thay, lận đận bao lần, đến năm 34tuổi, 7 lần thi chỉ một lần đậu Hương năm 1864. Sau đó, ông đổi tên thành Nguyễn Khuyến để tự khích lệ mình cố gắng dùi mài kinh sự. Sự kiên trì, cần cù, miệt mài ấy cuối cùng cũng được đền bù xứng đáng: Năm 36 tuổi, ông đỗ đầu khoa thi Hội, Đình, Hương, học vị hoàng giáp nên được vua Tự Đức ban cờ biểu và thêm 2 chữ Tam Nguyên. Từ đó người đời gọi ông là Tam Nguyên Yên Đỗ. Cuộc đời ông nằm gọn trong giai đoạn đất nước suy vong, lệ thuộc hoàn toàn và người Pháp. Ngày ông vinh quy, cả làng nao nức, vui mừng đi đón rước linh đình.
Nguyễn Khuyến bắt đầu ra làm quan và lần lượt giữ những chức vụ quan trọng như Đốc học Thanh Hoá, Án sát Quảng Bình, Bố chánh Quảng Nam, Thương biện Hà Nội, Sơn Hưng Tuyên Tổng đốc. Thế nhưng, sống trong một triều đại đã đến thời mục nát, tận mắt chứng kiến cảnh nô lệ, ông sinh lòng chán nản và viện cớ đau mắt nặng, Nguyễn Khuyến cáo quan vào năm 50 tuổi (1885) và về quê đạy học, vui thú điền viên. Đây cũng là một hành động chứng tỏ sự bất hợp tác của nhà thơ đối với triều đình và người Pháp. Ông mất năm 1909, thọ 75 tuổi.
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông đặc biệt có tài về thơ Nôm và chính ở đây, thơ ông đặc biệt sắc sảo và sinh động. Con người của ông hiển hiện trong thơ khá chân thật, rõ ràng, nên thơ giữa ông và con người thật của Nguyễn Khuyến không có một sự cách biệt nào. Có thể nói, tên tuổi của ông, hình ảnh của ông đã đi vào lòng dân tộc thật đậm đà thân thương! Vì sao ư?
Nhà thơ là một con người, một tâm hồn thơ tiêu biểu cho bản sắc Việt Nam. Cái đặc tính dịu dàng, kín đáo, không ồn ào nhưng hóm hỉnh, trong sáng và sâu sắc, tế nhị, có lẽ là sản phẩm tinh thần độc đáo của xứ sở đồng bằng trồng lúa nước, xứ sở của những làng quê xanh ngắt với những lũy tre bao bọc xung quanh! Những đặc tính ấy đã từng làm say mê bao nhiêu du khách đến từ những đất nước xa xôi.
Mặc dù đã dự phần “bảng vàng bia đá nghìn thu”, nhưng Nguyễn Khuyến lúc nào cũng giữ nguyên vẹn phong cách của một người con của xứ làng quê ấy, sống chan hòa với những người “chân quê” giữa đồng đất quê hương. Minh chứng là một bức tranh sinh hoạt gần gũi, thấm đậm tình người trong “Bạn đến chơi nhà”, là người dân quê chân chất, tràn đầy sự trìu mến, thân thương, là sự tha thiết bi thương trước cảnh đói rét, nô lệ lầm than của người dân đất Việt, … Dù với hoàn cảnh nào thì thơ ông vẫn trung thành bản sắc Việt Nam. Cái bản sắc ấy hòa quyện vào thiên nhiên thật đặc sắc và hữu tình. Chỉ là cảnh nông thôn nghèo nàn xơ xác cũng sẽ là những tác phẩm Thơ - Họa tuyệt vời, làm rung động lòng người trong cái tình của Nguyễn Khuyến và bằng bút pháp điêu luyện của ông.
Không chỉ là một tâm hồn Việt Nam tiêu biểu, Nguyễn Khuyến còn là một nhân cách Việt Nam tiêu biểu ở thời đại bấy giờ. Đó là thời đại mất nước, dân tộc bị chà đạp, con người Việt Nam đói rét lầm than. Rất nhiều kẻ xuất thân là kẻ sĩ, “sĩ phu” đã làm tay sai cho giặc. Bản thân Nguyễn Khuyến cũng đã trót dấn thân vào con đường hoạn lộ. Nhưng với nhãn quan sắc bén, ông nhìn rõ chân tường của thời cuộc, ông đã dứt khoát vứt bỏ mọi thứ vinh hoa phú quý, “treo ấn từ quan”, giả đui giả điếc, lui về ở ẩn nơi làng quê để giữ vững khí tiết, phẩm cách của một người yêu nước chân chính, hòa mình cùng nhân dân. Ông đau với nỗi đau của người dân, ông buồn với cái “sự nghèo” của họ, nhưng càng đau hơn khi bất lực trước cảnh dân tình bị dày xéo và day đứt bằng nỗi đau của một người ưu thời mẫn thế, đau nước đau nòi:
“Rừng xanh núi đỏ hơn ngàn dặm,
Nước độc ma thiêng mấy vạn người,
Khoét rỗng ruột gan trời đất cả,
Phá tung phên giậu hạ đi rồi”.
Một nhân cách thực sự cao cả làm sao có thể chịu khoanh tay bó gối trước cuộc đời ngang trái? Vậy Nguyễn Khuyến đã “xử thế” như thế nào cho xứng với tầm vóc của ông? Biết mình không có khả năng làm chính trị, ông quay ra làm văn hóa! Ông làm thơ, làm câu đối, ca trù… cho mọi người thưởng thức. Ông sáng tạo ra Văn Thơ Trào Phúng sâu sắc, chua cay, chĩa mũi dùi đả kích vào cái cuộc đời đồi bại và lố bịch lúc bấy giờ. Một triều đình nhà Nguyễn như “hề”: Vua chèo còn chẳng ra gì, quan chèo vai nhọ khác chithằng hề”; một bà đầm thực dân “Bà quan tênh nghếch xem bơi trai”; hay một ông quan ta bị Tây đá đít bằng “giày móng lợn”, hoặc ông lại cám cảnh trước cả đám “dân ngu” chưa nhận ra cái nhục mất nước “Cậy sức, cây đu nhiều chị nhún, tham tiền, cột mỡ lắm anh leo, khen ai khéo vẽ trò vui thế, vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!”. Có thể nói, Thơ Trào Phúng của ông khác nào một ngọn đuốc soi đường cho lương tri của dân tộc trong đêm tối, giúp mọi người thấy rõ phải quấy, chính tà.
Nguyễn Khuyến là con người tuyệt vời! Một nhân cách lớn, một bản sắc Việt Nam độc đáo, một tâm hồn thắm thiết, một văn tài kiệt xuất và một cách xử thế đúng đắn, một nhà thơ ưu tú, đại tài đều tụ hội trong ông. Bà cụ Đà, cháu nội của Nguyễn Khuyến, kể rằng: “Vào cuối đời, cụ Tam Nguyên sống âm thầm, buồn tủi. Mỗi lúc hoàng hôn sắp xuống, cụ ngồi trầm ngâm ngoài sân với hai ông phỗng đá, rót rượu vào ba ly, nâng chén mời, và tự uống phần mình. Rồi buồn rầu xoa đầu hai pho tượng và uống hộ cho cả hai. Sau đó cụ ngồi thừ người một lúc, rồi cúi đầu, lặng lẽ bưng mặt khóc”.
Giọt lệ chí tình của nhà thơ đã để lại cho chúng ta nhiều xúc động và suy nghĩ, cũng như chính cuộc đời và thi phẩm của ông. Chúng ta cảm thông với những băn khoăn day dứt, với nước mắt và nụ cười của nhà thơ. Và hôm nay, chúng ta có thể nở nụ cười vui mừng vì Văn học Việt Nam đã có một nhà thơ như thế! Nguyễn Khuyến đã “dân tộc hóa” phong cảnh nông thôn, “cụ thể hóa” cuộc sống lam lũ nhưng không kém phần thơ mộng của dân lành, “thi vị hóa” tình bạn, cười cái đáng cười và khóc điều đáng khóc trong xã hội, và nhất là đã yêu mến quê hương với một tấm lòng chân thật, khiêm nhường. Chúng ta hân hoan vì Văn học Việt Nam có Nguyễn Khuyến, một nhà thơ tài năng, đạo đức, một gương mẫu để chúng ta noi theo. Nhà thơ Nguyễn Khuyến, với lòng yêu nước và thương dân, đã đi vào văn học sử và sẽ mãi mãi để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người.
Nguồn Nguyen Khuyen edu