Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có tên là Nguyễn Văn Đạt, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, xứ Hải Dương (Nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Cha là Nguyễn Văn Định, sinh viên trường Quốc Tử Giám, nhưng không ra làm quan, về quê dạy học, lấy hiệu là Cù Xuyên Tiên Sinh. Mẹ là Nhữ Thị Thục, con gái tiến sĩ thượng thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan.

Nguyễn Bỉnh Khiêm theo học Đình Nguyên Bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Năm Giáp Ngọ 1534, Ông đỗ đầu kì thi Hương , sau đó đỗ đầu hai kì thi Hội, thi Đình năm Ất Mùi 1535. Ông từng được vua Mạc phong tước Trình Tuyên Hầu nên được người đời gọi là Trạng Trình. Ông về hưu năm 53 tuổi, lập am Bạch Vân, lấy tên hiệu là Bạch Vân cư sĩ.

Năm Nhâm Dần 1542, quyền thần lũng đoạn triều chính, ông dâng sớ đòi chém 18 viên quan to cậy thế làm càn nhưng không được vua chấp nhận. Nguyễn Bỉnh Khiêm từ bỏ chức quan, về quê dạy học. Học trò của ông rất đông và rất nhiều người trở thành nhân tài của đất nước như Trạng nguyên Giáp Hải, Phùng Khắc Khoan... Dù về quê nhưng các vua nhà Mạc rất kính trọng, xem ông là thầy và thường xuyên sai sứ đến hỏi mưu kế.

Tương truyền, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là một nhà tiên tri, tác giả của nhiều lời sấm. Nhà Mạc, nhà Trịnh, nhà Nguyễn đều đến xin lời khuyên của ông để dựng nghiệp.

Đến năm 1585, ông mắc bệnh nặng. Khi ông qua đời, nhà vua cử phụ chính đại thần về uý tế, dựng đền thờ, nhà vua tự tay viết biển đề hàng chữ “Mạc Triều Trạng Nguyên Tể Tướng từ” (Đền thờ quan tể tướng, Trạng Nguyên triều Mạc).

Nguồn www.nbkqna.edu.vn