Một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng

Theo Quyết định 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng, Chủ rừng có diện tích rừng từ 1.000 ha trở lên phải có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

Lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng được trang bị đồng phục và một số công cụ hỗ trợ; có quyền hạn, trách nhiệm tổ chức phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hành vi xâm hại rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; được nhà nước hỗ trợ đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng.

UBND cấp xã nơi có rừng tổ chức các lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn, nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ để thực hiện trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng theo quy định và bảo vệ diện tích rừng chưa giao, cho thuê trên địa bàn xã.

Giai đoạn 2011 - 2015 bổ sung khoảng 3.000 biên chế kiểm lâm - Ảnh minh họa

Phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp

Quyết định quy định cụ thể trách nhiệm của UBND từng cấp trong quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.

Cụ thể, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý hệ thống các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định của pháp luật; Chỉ đạo thực hiện công tác giao, cho thuê, thu hồi rừng và đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng, quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật; Lập và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, đất lâm nghiệp của địa phương, các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản, ngăn ngừa tình trạng lợi dụng để tiêu thụ, hợp thức hóa nguồn gỗ, lâm sản trái pháp luật...

UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác giao rừng, thu hồi rừng và đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về rừng và đất lâm nghiệp; huy động, chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn để ngăn chặn mọi hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên rừng;...

UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp và xác nhận hồ sơ xin giao rừng, thuê rừng và giao đất, thuê đất lâm nghiệp đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư theo thẩm quyền; Chỉ đạo cộng đồng dân cư thôn xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; tổ chức hoạt động có hiệu quả của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ...

Quyết định nêu rõ, địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, thì lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật.

Hỗ trợ kinh phí cho UBND cấp xã tổ chức bảo vệ rừng tại cơ sở

Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí cho ngân sách xã để bảo đảm chi thường xuyên cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Cụ thể, đối với diện tích rừng do UBND cấp xã trực tiếp quản lý sẽ được hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm để tổ chức quản lý bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động chống chặt phá rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong đó, chi bồi dưỡng cho những người tham gia chữa cháy rừng với mức chi bằng ngày công lao động nghề rừng cao nhất ở địa phương. Chi hỗ trợ cho người tham gia bảo vệ rừng, chữa cháy rừng bị tai nạn về thanh toán tiền khám, chữa bệnh theo chế độ hiện hành, hỗ trợ 100.000 đồng/ngày/người trong thời gian điều trị tại bệnh viện; được xét công nhận chế độ như thương binh; trường hợp bị chết được hỗ trợ tiền mai táng phí, được xét công nhận chế độ như liệt sỹ theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Những xã có rừng và có nguồn thu theo quy định được lập quỹ bảo vệ rừng cấp xã. Việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp xã thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14/1/2008 của Chính phủ về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.

Bổ sung khoảng 3.000 biên chế kiểm lâm giai đoạn 2011 - 2015

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường biên cho cho lực lượng kiểm lâm đến năm 2015; bố trí kế hoạch hàng năm về tổ chức, biên chế lực lượng kiểm lâm đến năm 2015 bình quân trong toàn quốc cứ 1.000 ha rừng có 1 biên chế kiểm lâm (giai đoạn 2011 - 2015 bổ sung khoảng 3.000 biên chế kiểm lâm).

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cho lực lượng kiểm lâm thông qua các dự án đào tạo nâng cao năng lực; đầu tư bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; tăng cường trang bị vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ cho kiểm lâm.

Giai đoạn 2011 - 2015 đào tạo chuyên môn, nghiệm vụ cho khoảng 8.000 lượt người thuộc lực lượng bảo vệ rừng cơ sở và lực lượng kiểm lâm; đầu tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng (khoảng 1.000 tỷ đồng).

Quyết định 07/2012/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 30/3/2012.

Nguồn www.chinhphu.vn

 




  

 
  • Bạn đọc
    Qua bài báo này , tôi thấy nàh nước ta luôn qua tâm đầu tư cho phát triển và bảo vệ rừng . Thế mà vẫn còn một số người vì ham lợi cá nhân đã và đang vô tâm tàn phá rừng một cách vô tội vạ , bảo vệ rừng không riêng gì các ngành chức năng mà còn có bàn tay của người dân trong việc bảo vệ rừng , bao vệ rừng cũng là bảo vệ lá phổi của chính mình .
    Đơn vị tôi trước kia chỉ là bãi cát trắng của xã PD , năm 1993 đến năm 2000 với chủ trương của ban chỉ huy đồn , tập thể và cá nhân tích cực tròng (Xoan và phi lao ) cây phủ xanh đơn vị được thực hiện một cách bài bản khoa học từ đào hố cho đến tưới tấm cho cây cho đến nay khoảng 3xào cây Xoan và phí lao cao 8 đến 10m phủ cả đơn vị, tạo cho không khí trong lành và cũng gốp một phần trong sự nghiệp trồng rừng của nhà nước , thế nhưng qua thời gian thay đổi nhân sự cốt cán , họ đã tự tay chặt phá một cách không thương tiếc làm cho những người đã từng chăm bón ngậm ngùi thương xót .
    Nguyenvan0112@gmail.com