(NTO) Tại hội nghị, đa số các đại biểu tham dự đều nhất trí cao với hình thức, kỹ thuật soạn thảo và xây dựng nội dung của các dự thảo Luật. Tuy nhiên, để Luật được ban hành đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác và khả thi, sau khi nghiên cứu, các đại biểu có ý kiến: Đối với Luật Bảo hiểm tiền gửi, đề nghị luật nên quy định rõ việc áp dụng mức phí bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở rủi ro, nhằm bảo đảm tính minh bạch, công bằng và cạnh tranh lành mạnh của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Về hạn mức trả tiền bảo hiểm, hiện mức bảo hiểm tiền gửi 50 triệu đồng đã không còn phù hợp, vì vậy luật nên điều chỉnh nâng mức bảo hiểm tiền gửi, đồng thời sớm công bố hạn mức bảo hiểm tiền gửi để tạo niềm tin của người gửi. Đối với dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền, các đại biểu cho rằng: Luật quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền, nhưng việc tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền còn có rất nhiều cơ quan như: Công an, Thanh tra Chính phủ, Cơ quan phòng chống tham nhũng tham gia. Vì vậy, đề nghị Luật cần quy định rõ vị trí pháp lý của cơ quan phòng, chống rửa tiền...
Đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội nghị.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến của các vị đại biểu và sẽ tổng hợp đầy đủ để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 tới.
Văn Thanh