(NTO) Bởi lẽ, nếu làm tốt việc này sẽ góp phần tạo thêm niềm tin cho nhân dân vào công cuộc đổi mới đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng. Có thể nói, trong những năm qua tỉnh ta đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai và hoàn thiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” tại cơ quan hành chính nhà nước theo quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo báo cáo của ngành chức năng, đến nay toàn tỉnh đã có 92 cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, trong đó có 17 sở; 6 huyện, thành phố, 65 xã, phường, thị trấn và Công an tỉnh; 76 cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” gồm: 5 sở; 6 huyện, thành phố, 65 xã, phường, thị trấn.
Thực tế cho thấy, khi thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” đã mang lại nhiều thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch hành chính và cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ. Đáng nói là các thủ tục hành chính, phí, lệ phí… được niêm yết công khai rõ ràng, đầy đủ tại cơ quan hành chính giúp cho tổ chức, công dân hiểu rõ các thủ tục cần thiết và hồ sơ cần phải thực hiện, qua đó giúp cho tổ chức, công dân giám sát được các cơ quan và công chức nhà nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ , nhất là những thủ tục liên thông đến nhiều ngành, nhiều cấp được giải quyết tại cơ sở… Nhờ đó, đã hạn chế tối đa sự đi lại nhiều lần của các tổ chức, công dân; giảm phiền hà, chi phí và thời gian của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” vẫn còn một số tồn tại làm ảnh hưởng đến kết quả chung như: còn tình trạng hồ sơ giải quyết trễ hẹn so với thời gian quy định, chủ yếu là lĩnh vực đất đai do việc xác minh nguồn gốc đất còn gặp nhiều khó khăn và năng lực cán bộ địa chính cấp xã còn hạn chế; sự phối hợp các ngành, các cấp chưa đồng bộ, nghiêm túc trong giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông”. Mặt khác, thái độ của một số cán bộ, công chức được phân công khi tiếp công dân chưa tỏ ra thân thiện theo hướng “trọng dân, gần dân”, còn gây phiền hà cho tổ chức, người dân trong quan hệ giao dịch…
Để cải cách thủ tục hành chính ngày càng theo hướng đơn giản, thuận lợi, thiết thực…yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục thực hiện việc công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính bằng nhiều hình thức thiết thực và thích hợp về quy trình thủ tục, quy định thời gian giải quyết… theo hướng dễ hiểu, dễ thực hiện. Mặt khác, cần thường xuyên thực hiện việc đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính các cấp, qua đó có chấn chỉnh kịp thời những hạn chế nếu có.
Tuấn Dũng