(NTO) Trong thời gian qua, đối tượng là Viên chức được điều chỉnh theo Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998 được sửa đổi bổ sung năm 2000 và năm 2003. Sau hơn 10 năm thực hiện, đội ngũ viên chức đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân. Song bên cạnh đó, công tác quản lý viên chức và đội ngũ viên chức còn một số hạn chế và tồn tại:
Về mặt nhận thức, hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ viên chức và cơ chế quản lý viên chức chưa đổi mới kịp thời với những thay đổi về nhiệm vụ của Nhà nước trong việc tổ chức cung ứng các nhu cầu cơ bản, thiết yếu cho người dân và cộng đồng. Vị trí của viên chức chưa được xác định rõ trong các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công; chưa có sự phân định giữa hoạt động quản lý nhà nước của công chức với hoạt động nghề nghiệp của viên chức. Việc đánh giá, phân loại viên chức chưa bảo đảm khoa học, khách quan dẫn đến việc tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đánh giá và đào tạo, bồi dưỡng viên chức chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra, ảnh hưởng đến việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức.
Về mặt pháp lý, tính chất, đặc điểm lao động của viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được phân biệt rõ ràng với cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Các quy định “quyền lực công” và người thực hiện “quyền lực công” với “phục vụ công” và người thực hiện các dịch vụ công chưa được phân biệt rõ ràng nên trong thực tế, hoạt động nghề nghiệp của viên chức nhằm thực hiện chức năng phục vụ xã hội trên các lĩnh vực, cũng như việc xây dựng đội ngũ viên chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các dịch vụ công chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm đầy đủ nên chưa phát huy hết tài năng, sáng tạo của viên chức và chưa góp phần thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, tay nghề giỏi tham gia vào khu vực sự nghiệp công lập.
Một hạn chế nữa là về công tác tổ chức và hoạt động. Thực trạng tổ chức tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức còn chậm đổi mới, chưa tương thích với cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công. Việc tuyển dụng viên chức từ hình thức tuyển dụng lâu dài sang hình thức hợp đồng làm việc là tích cực nhưng cách thức tuyển dụng theo hợp đồng gắn với chỉ tiêu biên chế chưa thể hiện được triệt để tinh thần đổi mới phương thức quản lý viên chức và chưa đáp ứng được yêu cầu giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ viên chức hiện nay chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ, thống nhất nên đã phát sinh các tiêu cực về tác phong, lề lối làm việc của viên chức, làm giảm sức sáng tạo, chất lượng trong hoạt động nghề nghiệp phục vụ người dân và cộng đồng của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các biểu hiện về thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu kém về năng lực và trình độ nghề nghiệp, phiền hà, sách nhiễu người dân vẫn tồn tại trong đội ngũ viên chức, làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.
Xuất phát từ yêu cầu khách quan và thực trạng trên nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp và xây dựng đội ngũ viên chức có đạo đức nghề nghiệp, có trình độ và năng lực phục vụ nhân dân, góp phần thực hiện cải cách khu vực dịch vụ công phù hợp và đồng bộ với xu hướng chuyển đổi sang nền hành chính phục vụ trong cơ chế thị trường, với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế thì việc ban hành Luật Viên chức là rất cần thiết. Do vậy, ngày 15-11-2010, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Viên chức và ngày 29-11-2010 Chủ tịch nước đã ký lệnh số 15/2010/L-CTN về công bố Luật Viên chức và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012.
Để thực thi có hiệu quả Luật Viên chức, trong thời gian tới chúng ta cần thực hiện tốt năm nhóm công việc sau:
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng nhằm thống nhất và nâng cao nhận thức cho các đối tượng áp dụng luật và mở rộng ra cho toàn thể nhân dân về Luật Viên chức và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Đây là công việc quan trọng và phải thực hiện thường xuyên, lâu dài. Các đối tượng cần được tuyên truyền, phổ biến đó là: Các đơn vị Sự nghiệp công lập và các cơ quan liên quan trong tổ chức thi hành Luật Viên chức như: Sở Tư pháp trong việc tổ chức tuyên truyền phổ biến luật; Sở Nội vụ trong việc tổ chức bộ máy các đơn vị Sự nghiệp công lập, thi tuyển Viên chức…và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan khác; các viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các cán bộ, công chức liên quan trong việc thực hiện Luật Viên chức và toàn thể nhân dân.
2. Tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cho các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện Luật, cụ thể đó là Luật Viên chức và các Nghị định của Chính phủ để hướng dẫn thực hiện các nội dung về vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, trước hết là các vấn đề về thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; về xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại của Nhà nước đối với viên chức…
3. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền, thống kê những văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ để phù hợp với Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ví dụ như các quy định trong chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức (Điều 58); quy định chuyển tiếp đối với viên chức tuyển dụng trước ngày 1-7-2003 và từ ngày 1-7-2003 đến khi Luật Viên chức có hiệu lực (Điều 59) của Luật Viên chức năm 2011;
4. Tổ chức thực hiện nghiêm luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan;
5. Tổ chức kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện Luật Viên chức nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót trong quá trình thực hiện, kịp thời phát hiện và kiến nghị bổ sung, sửa đổi những bất cập của luật để bảo đảm luật có hiệu lực, hiệu quả hơn trong đời sống xã hội.
Trương Tiến Hưng
Phó Giám đốc Sở Tư pháp