Nhật Bản đã bí mật can thiệp vào thị trường tiền tệ

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, các dữ liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 7-2 cho thấy vào đầu tháng 11-2011, cơ quan này đã bí mật can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm chặn đà tăng giá mạnh của đồng yên so với USD, thông qua việc bán tổng cộng 1.020 tỷ yên (khoảng 13,3 tỷ USD) mà không công bố.

Động thái này được tiến hành sau khi đồng yên tăng giá so với đồng USD lên mức cao nhất thời hậu chiến, với tỷ giá 75,32 yên đổi 1 USD, bất chấp việc Bộ Tài chính Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ thông qua việc bán ra 8.070 tỷ yên, con số kỷ lục từ trước tới nay, để mua USD vào ngày 31-10-2011. Các biện pháp này phản ánh nỗ lực quyết liệt của các cơ quan quản lý tiền tệ Nhật Bản nhằm đối phó với hiện tượng tăng giá bất thường của đồng yên. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng các hành động can thiệp này chưa đủ hiệu quả vì đồng yên vẫn tiếp tục đà tăng giá do ảnh hưởng của những diễn biến tiêu cực trong nền kinh tế thế giới.

Theo các số liệu thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, đợt can thiệp bí mật lần đầu tiên kể từ năm 2004 nói trên đã được tiến hành từ ngày 1 đến 4-11-2011, trong đó các cơ quan chức trách của Nhật Bản đã lần lượt bán ra 282,6 tỷ yên, 227,9 tỷ yên, 202,8 tỷ yên và 306,2 tỷ yên để mua vào USD.

Trong một thống kê khác công bố vào ngày 30-11, Bộ Tài chính cho biết bộ này và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã chi khoảng 9.090 tỷ yên để can thiệp vào thị trường tiền tệ trong giai đoạn từ ngày 28-10 đến 28-11-2011.

Phát biểu với các phóng viên sau khi Bộ Tài chính công bố các con số thống kê trên, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Giun Adưmi (Jun Azumi) khẳng định "không loại trừ bất cứ phương án nào và sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ các lợi ích quốc gia khi cần”. Phát biểu này của Bộ trưởng Adưmi cho thấy chính phủ Nhật Bản sẵn sàng tiếp tục can thiệp vào thị trường tiền tệ nếu đồng yên tăng giá theo chiều hướng mà Tôkiô nhận thấy không phản ánh thực chất tình hình kinh tế của nước này.

Theo TTXVN