Bác đã có nhiều bài nói, bài viết về tác hại, sự nguy hiểm của nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cũng như sự cần thiết , tính cấp bách của cuộc đấu tranh với các tệ nạn nói trên. Đồng thời, Người cũng luôn quan tâm, nhắc nhở, giáo dục cán bộ, nhân dân, các cấp, các ngành phải thực hành tiết kiệm và thường xuyên đấu tranh để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu trong xã hội cũng như ở mỗi con người.
Nhớ lại cách đây tròn 60 năm, trong Bài nói chuyện nhân dịp Tết Nhâm Thìn 1952, đăng trên báo Nhân Dân ngày 27-1 (tức ngày mùng một Tết), Bác nhấn mạnh: "Phải xem quan liêu, tham ô, lãng phí là những tội ác đối với Tổ quốc, đối với đồng bào. Người phạm tội đã đành, người thấy tội mà không nêu ra cũng như có tội". Người yêu cầu cán bộ, cơ quan, đoàn thể và mỗi người dân từ cấp trên xuống, từ cấp dưới lên phải "cùng nhau tẩy trừ ba nạn kia để dọn đường cho những thắng lợi mới".
Trong Thơ chúc tết năm đó (1952), Bác kêu gọi:
… “Năm mới thi đua mới
Thắng lợi ắt về ta
Mấy câu thành thật, nôm na
Vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân”…
Tiếp đó, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ tháng 7-1952 Bác lại chỉ rõ: "Để kháng chiến thắng lợi, để xây dựng nước nhà, chiến sĩ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi, nước mắt để đóng góp. Những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội ác ấy cũng nặng như tội Việt gian, mật thám". Đến tháng 9 năm Nhâm Thìn 1952, Bác tiếp tục có bài: "Chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí'' đăng trên báo Nhân Dân, trong đó có viết:
Tất cả cán bộ đều là đầy tớ của dân
Quan liêu là những người phụ trách mà chỉ biết yên thân
Xa cách cán bộ, nhân dân và việc làm
Việc gì cũng nhắm mắt ký làm
Không biết cán bộ tốt hay xấu, việc làm tốt hay không
Quan liêu "ngài" không biết đề phòng
Do đó mà tham ô, lãng phí mọc từ trong đến ngoài
Tham ô là những cán bộ chỉ lo phát "hoạch tài".
Đục khoét của nhân dân, chính phủ, đoàn thể
Của ai họ cũng trộm làm của mình.
Để họ tiêu xài xa xỉ, linh đình
Tội ác ấy thật là to lớn, tâm tính ấy thật là nhuốc nhơ...
Đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu còn được Bác Hồ đề cập trong nhiều bài nói tại Hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị, ở những buổi làm việc với các cấp, các ngành, các đoàn thể, khi đất nước còn kháng chiến, cũng như trong hòa bình xây dựng. Điều đó cho thấy vấn đề đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu luôn được Bác Hồ quan tâm và đòi hỏi từng tổ chức, mỗi người chúng ta phải nhận thức đầy đủ, đấu tranh có hiệu quả. Bởi như Bác nói: Bệnh quan liêu, nạn tham ô, lãng phí có nguồn gốc trong xã hội cũ mà ra, chúng ta không lấy làm lạ. Nhưng mấy năm sau cách mạng mà tham ô, lãng phí còn khá phổ biến trong cán bộ, đảng viên là phải ngăn chặn và cương quyết sửa chữa. Phải coi chống tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như đánh giặc trên mặt trận.
Ngày nay, Đảng ta xác định tham nhũng, lãng phí, quan liêu là một trong những nguy cơ liên quan đến sự tồn vong của chế độ, cũng như sự ổn định và phát triển của đất nước, là "quốc nạn" cần phải ngăn chặn và đẩy lùi để tạo thêm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ. Nước ta đã có Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đảng, Nhà nước đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của mình. Nhiều vụ việc tham ô, tham nhũng, lãng phí đã được đưa ra xét xử công khai, nghiêm khắc. Báo chí cũng đã vào cuộc quyết liệt. Dư luận xã hội cũng lên án mạnh mẽ... Nhưng thứ "giặc nội xâm", "quốc nạn" nói trên vẫn chưa được ngăn chặn và đang tiếp tục gây bức xúc trong nhân dân, cản trở công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước.
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vừa qua tiếp tục khẳng định: “Xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu sung công tài sản tham nhũng… Xây dựng chế tài xử lý những tổ chức, cá nhân gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tăng cường công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời xử lý nghiêm những người bao che, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống; làm hại người khác, gây mất đoàn kết nội bộ. Tôn vinh những tấm gương liêm chính”.
Đón mừng năm mới Nhâm Thìn 2012, nhớ lời căn dặn của Bác Hồ năm Nhâm Thìn 60 năm trước, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người, trước hết là cán bộ, đảng viên và từng tổ chức từ trung ương đến cơ sở, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực góp phần đấu tranh có hiệu quả với nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí, nhằm giữ vững sự ổn định và phát triển đất nước để "Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều" như mong muốn của Bác lúc sinh thời.
Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản số 61 (tháng 1/2012)