Tuy nhiên, số dự án FDI có xu hướng giảm cho thấy các nguy cơ và sự không ổn định của tăng trưởng FDI trong năm nay. Kết quả nghiên cứu này dựa trên cơ sở các nhân tố căn bản như tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nguồn tài chính hiện do các công ty đa quốc gia nắm giữ, UNCTAD cho biết dòng FDI toàn cầu năm 2011 tăng 17%, đạt 1.500 tỷ USD, vượt quá mức FDI trước khủng hoảng. Theo đánh giá mới nhất của UNCTAD, dòng FDI tăng ở tất cả các nhóm nước phát triển, đang phát triển và các nền kinh tế chuyển tiếp.
Các nền kinh tế đang phát triển và chuyển tiếp tiếp tục chiếm hơn 50% tổng FDI toàn cầu và đạt kỷ lục mới 755 tỷ USD năm 2011, chủ yếu đầu tư phát triển nền kinh tế xanh. Các nước Mỹ Latinh và Caribê (chiếm 35%) đã vượt qua các nước Nam, Đông và Đông Nam Á (chiếm 11%) để trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng FDI vào các nền kinh tế đang phát triển và chuyển tiếp. Dòng FDI vào châu Phi với nhiều nền kinh tế chậm phát triển nhất tiếp tục giảm. Dòng FDI vào các nước phát triển tăng 18%, chủ yếu do các hoạt động mua bán và sáp nhập công ty xuyên biên giới trong quá trình tái cơ cấu các công ty, đặc biệt ở châu Âu.
Theo TTXVN