Nhân tài muôn nẻo

Năm 2011 là năm đáng nhớ với giới trí thức qua nhiều dấu ấn: Đầu năm là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI với định hướng "Có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước".

Chính phủ đã công bố quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam trong vòng 10 năm tới, đặc biệt là chính sách với nhân lực chất lượng cao và nhân tài. Cuối năm, sự kiện thu hút nhiều tranh luận trái chiều là UBND tỉnh Nam Định từ chối tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức hoặc từ các trường dân lập, tư thục…

Trong quá trình đổi mới, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới công tác phát triển, đào tạo và bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Theo ông Hồ Bá Thâm, nguyên Vụ trưởng, Giám đốc chi nhánh NXB Chính trị quốc gia, việc phát hiện tài năng cần sự hợp lực của cả gia đình và xã hội. Tài năng thường phát lộ từ sớm do tác động, định hướng đúng của gia đình. Tài năng đàn tranh Nguyễn Hải Phượng là con nhà nòi, có mẹ là nhà giáo Nguyễn Thúy Hoan. Hoàng Thanh Trang được phong cấp Đại kiện tướng cờ vua, khi mới 15 tuổi, sinh ra trong gia đình toán học giàu truyền thống cờ vua… Các trường chuyên, trường năng khiếu cũng góp phần vào việc phát hiện, đánh giá, bồi dưỡng tài năng. Nhiều học sinh chuyên đã đạt được các giải thưởng cao, một số trở thành nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín.

Phát hiện và bồi dưỡng nhân tài là việc làm hết sức cần thiết
trong quá trình phát triển CNH-HĐH của Việt Nam. Ảnh: Hữu Oai

Ở bậc đại học, hệ cử nhân khoa học tài năng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, là một mô hình đào tạo được nhiều người tâm đắc. Nhà trường xác định đối tượng xét tuyển vào hệ này là nhắm vào các nhân tài. Thí sinh tham dự vào đội tuyển quốc tế thì được tuyển thẳng, thí sinh đạt giải quốc gia từ giải ba trở lên được tạo điều kiện thuận lợi để vào học. Theo quy chế của nhà trường, những sinh viên thật sự xuất sắc của lớp tài năng sẽ được gửi đi đào tạo ở nước ngoài ngay trong quá trình học đại học. Có năm có đến 2/3 sinh viên của một lớp được cử đi học. Tuy nhiên, trong học đường, cũng theo ông Hồ Bá Thâm, thực tế là nhiều khi điểm số và tính sáng tạo không tỉ lệ thuận với nhau, đánh giá của giáo viên đôi khi cũng bị sự chi phối của "ấn tượng cá nhân", thường coi học sinh giỏi toàn diện là tài năng.

Theo PGS.TS Đỗ Minh Cương, Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương, chính sách không tuyển người tốt nghiệp hệ đào tạo tại chức vào các cơ quan công quyền của thành phố Đà Nẵng đã tạo ra dư luận khen chê khác nhau, song nhìn chung thể hiện sự đánh giá thấp chất lượng hệ tại chức. Điều đó cũng cho thấy ngay cả Đà Nẵng, nơi có nhiều đổi mới về công tác cán bộ cũng chưa có phương pháp tuyển dụng khoa học để chọn được người tài từ nhiều hình thức học tập và công việc khác nhau. Chuyện tuyển dụng ở Nam Định cũng cho thấy khía cạnh tiêu cực trong quan niệm đánh giá trình độ, năng lực cán bộ chủ yếu dựa vào bằng cấp...

Tuy nhiên, không thể phủ nhận giáo dục đại học có vai trò quan trọng cho phát triển của nhân tài. Vì vậy, một số địa phương đi đầu về thực hiện chiến lược đào tạo cán bộ có yếu tố nhân tài, đã thông qua kế hoạch phát triển nguồn từ số sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi cho đào tạo tập trung theo chức danh và cử đi làm cán bộ cơ sở để phát triển từ dưới lên. Với những người đã tốt nghiệp và tham gia vào nguồn nhân sự địa phương, đơn vị, theo PGS.TS Đỗ Minh Cương, nhìn chung công tác đào tạo cán bộ hiện nay được thực hiện khá bài bản, trong đó tập trung vào 3 loại đối tượng và chương trình chính: đào tạo lý luận chính trị, đào tạo trình độ sau ĐH ở trong và ngoài nước và đào tạo cán bộ nguồn quy hoạch dài hạn.

Về chương trình đào tạo cao cấp lý luận hiện nay, PGS.TS Đỗ Minh Cương cho rằng, ngoại trừ số ít môn học, còn lại hầu hết cơ cấu và thời gian học tập thuộc về nhóm môn chủ nghĩa Mác - Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng và các môn khoa học xã hội như tâm lý học, xã hội học... là những môn học đã nằm trong chương trình đào tạo của các trường đại học, nhất là trường học ngành khoa học xã hội và nhân văn. Trong khi các trường đại học khác đã chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo triết lý lấy người học làm trung tâm như đào tạo theo tín chỉ, tăng giờ thảo luận, nghiên cứu tình huống thực tế, làm và chữa bài tập nhóm tại lớp... thì cơ sở đào tạo của học viện vẫn theo phương thức người thầy là trung tâm. Giữa các mức độ, bậc học của chương trình (sơ cấp, trung cấp, cao cấp) và giữa hệ thống các cơ sở đào tạo chưa có tính kế thừa, liên thông, công nhận bằng cấp của nhau, dẫn đến tình trạng người học phải học đi, học lại nhiều môn, rất lãng phí.

Tuy vậy, do nhu cầu người học quá lớn nên hệ thống Học viện Chính trị - Hành chính chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu học cao cấp lý luận. Nhu cầu học cao không phải do chất lượng chương trình đào tạo mà do các quy định bắt buộc về chuẩn hóa cán bộ, tiêu chuẩn thi nâng ngạch, bổ nhiệm... Mặt khác, huy động hầu hết nguồn lực chạy theo các chương trình đào tạo có tính phổ cập như cao cấp lý luận mà không có sức ép phải đổi mới thường xuyên hoặc cạnh tranh với các cơ sở đào tạo khác, giảng viên dạy ở khắp nơi, ít có thời gian dành cho việc học tập, nghiên cứu là nguy cơ đối với Học viện Chính trị - Hành chính và các trường chính trị địa phương.

Việc xây dựng các thiết chế đặc thù để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài đang được nhiều chuyên gia cho là nhu cầu bức thiết hiện nay. GS Nguyễn Văn Khánh, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, việc sử dụng các thiết chế hiện có (học viện, viện, trường) là cần thiết, song đã đến lúc cần phải tập trung đầu tư các nguồn lực, xây dựng thiết chế chất lượng cao, phát hiện và tiếp tục đào tạo nhân tài đích thực. GS.TS Nguyễn Văn Nam, Trường ĐH Kinh tế quốc dân bổ sung: Cơ sở đào tạo này cần hoạt động theo cơ chế đặc biệt. Đối tượng là những ứng cử viên được đề xuất và tuyển chọn từ Hội đồng tuyển dụng lãnh đạo cao cấp quốc gia, các ứng cử viên trong việc tuyển dụng nguồn nội bộ của khu vực công. Nội dung đào tạo cần được lưu tâm đến đặc thù của học viên vốn đã có nền tảng tốt về khoa học. Phương pháp đào tạo giảng dạy cần được cải tổ theo hướng tích cực hơn.

Nói như Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu về nhân tài - nhân lực, PGS.TS Đức Vượng: Phải coi trọng phát hiện, khai thác, đào tạo, bồi dưỡng để mọi người có cơ hội trở thành người tài, thay vì chỉ biết "đốt đuốc đi tìm" dẫn tới "ăn đong" nhân sự, nhân tài.

Nguồn Báo Hànộimới