Các sự kiện tiêu biểu của ngành Giáo dục năm 2011:

Tăng cường phân cấp gắn với nâng cao trách nhiệm

Năm học 2011-2012, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới quản lý GD-ĐT theo hướng tăng cường phân cấp gắn với nâng cao trách nhiệm.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 quy định trách nhiệm quản lí nhà nước về giáo dục, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT (Thông tư số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV), qua đó thay đổi cơ bản công tác quản lí giáo dục ở các cấp, bảo đảm phân cấp triệt để nhưng thống nhất, tập trung và thông suốt trong hệ thống.

Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục đổi mới quản lí giáo dục đại học theo hướng: Đổi mới việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp; Đổi mới việc mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở đào tạo.

Ngày 2/12/2011, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/1/2012 với mục tiêu nhằm giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở đào tạo trong việc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh; bảo đảm công khai, minh bạch trong việc xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và tạo điều kiện để xã hội, người học cùng giám sát khả năng bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo, đồng thời thúc đẩy các cơ sở đào tạo đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.

Theo quy định tại thông tư này, các đại học, trường đại học, học viện, lấy số giảng viên có trình độ thạc sĩ làm cơ sở xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ đại học, cao đẳng chính quy trong năm. Đối với các trường cao đẳng và trường trung cấp chuyên nghiệp, lấy số giảng viên có trình độ đại học làm cơ sở xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy trong năm. Hai tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh là số học sinh, sinh viên chính quy/1 giáo viên, giảng viên quy đổi và diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo/1 sinh viên.

Đối với chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học, liên thông đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học, văn bằng hai đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học được xác định không quá 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của cơ sở đào tạo đã xác định. Chỉ tiêu tuyển sinh theo hình thức học từ xa được xem xét căn cứ đề án của mỗi cơ sở đào tạo.

Thông tư cũng quy định rõ, những cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh vượt từ 15% trở lên so với chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo sẽ bị xử phạt hành chính theo các quy định hiện hành và bị trừ chỉ tiêu tuyển sinh của năm sau. Số bị trừ bằng tổng số tuyển vượt của các năm trước.

Đổi mới việc mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở đào tạo, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư số 38/2010/TT-BGDĐT. Theo đó, 1 trong các điều kiện để đào tạo các chuyên ngành trình độ tiến sĩ là phải có ít nhất 1 GS hoặc PGS và 4 tiến sĩ cùng ngành là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo, trong đó có 3 người cùng chuyên ngành đề nghị cho phép đào tạo. Ngoài điều kiện trên, để được xem xét để cấp phép đào tạo các chuyên ngành ở trình độ tiến sĩ, các ĐH, học viện, các trường ĐH cần đảm bảo các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị; nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, chương trình đào tạo…

Về đào tạo trình độ thạc sĩ, điều kiện để các ĐH học viện, các trường ĐH được xem xét để cấp phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ độ này là: Đã đào tạo trình độ ĐH hình thức chính quy ngành tương ứng với ngành hoặc chuyên ngành đề nghị cho phép đào tạo trình độ thạc sĩ và có ít nhất 2 khóa sinh viên đã tốt nghiệ; không vi phạm các quy định hiện hành về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo… trong thời hạn 3 năm; có đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm đáp ứng yêu cầu đào tạo; có năng lực, kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực của ngành hoặc chuyên ngành đề nghị cho phép đào tạo…

Cơ sở đào tạo sẽ bị đình chỉ tuyển sinh ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ khi xảy ra một trong những trường hợp: Không bảo đảm một trong các điều kiện được phép đào tạo ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ quy định; Không tuyển sinh được trong 3 năm liên tiếp; tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngoài địa điểm đã được phép đào tạo trình độ thạc sĩ; vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định đình chỉ tuyển sinh.

Đối với việc mở ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ, sau gần một năm tạm dừng việc thẩm định hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo, ngày 18/2/2011, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư Quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ ĐH,CĐ. Thông tư này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 3/4/2011.

Theo đó, bắt đầu từ ngày này, các trường ĐH, CĐ bắt đầu được đăng ký mở ngành mới với những điều kiện khắt khe hơn trước.

Để được mở ngành đào tạo trình độ ĐH, các trường cần có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 01 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 03 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký. Cùng với đó, cần đáp ứng các yêu cầu về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo yêu cầu của ngành đào tạo trình độ ĐH; có đơn vị quản lý chuyên trách đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ quản lý hoạt động đào tạo trình độ ĐH. Có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường đảm bảo triển khai ngành đào tạo. Đồng thời, không vi phạm các quy định hiện hành về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo và các quy định liên quan khác của pháp luật trong thời hạn 3 năm tính đến ngày cơ sở đào tạo nộp hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo; ngành đăng ký đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành, địa phương, vùng và quốc gia…

Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại