Diễn đàn hiến kế ATGT

Học văn hóa giao thông của nước bạn Lào

Năm 2012 được chọn làm “Năm ANGT Quốc gia” với mục tiêu giảm từ 5 đến 10% số vụ TNGT. Đây là bài toán không hề đơn giản, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cũng rất cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Chẳng phải học ở đâu xa xôi như nước bạn Lào là thí dụ điển hình.

 Lâu nay khi đề cập đến thực trạng về mất an toàn giao thông (ATGT) ở nước ta thì có muôn vàn nguyên nhân được đưa ra như: Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu; ý thức người tham gia giao thông kém; việc quản lý, đào tạo, cấp bằng lái xe chưa nghiêm túc; chế tài xử phạt người vi phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe… Tất cả các nguyên nhân đều được các bộ, ngành nhìn thấy và đề ra các giải pháp khắc phục, nhằm hạn chế tối đa việc mất ATGT, ùn tắc giao thông. Thế nhưng những con số mà Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra mỗi năm đều cho thấy số vụ tai nạn giao thông (TNGT), số người chết, bị thương đều tăng (cả đường bộ, đường sắt và đường thủy). Theo thống kê năm 2011, ở nước ta bình quân mỗi ngày có 30 người chết, 28 người bị thương vì TNGT.

Tôi có nhiều chuyến công tác ở Lào, cùng chứng kiến, cùng tham gia giao thông mới thấy ý thức, văn hóa giao thông ở nước bạn cao và rất tự giác. Mọi người tham gia giao thông rất trật tự, đi đúng phần đường, làn đường quy định; không phóng nhanh, vượt ẩu và vượt đèn đỏ. Trên đường hiếm khi nghe thấy tiếng còi xe. Trước các ngã ba, ngã tư, điểm giao nhau giữa các đường giao thông, khi muốn qua đường các xe đang lưu thông ở phía đường không ưu tiên, hoặc đường nhỏ thường dừng lại quan sát, nhường đường cho xe lưu thông từ hướng ưu tiên, khi nào hết xe, hoặc thực sự bảo đảm an toàn thì mới điều khiển xe đi tiếp. Ở thủ đô Viêng Chăn, số lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc nhưng chẳng mấy khi xảy ra tắc đường. Dù ở cố đô Luông Pha Băng, thủ đô Viêng Chăn hay miền Nam nước Lào, từ thành phố lớn đến nông thôn thì ý thức tham gia giao thông của người dân đều chấp hành rất nghiêm túc và có văn hóa ở mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, ở nước bạn không xảy ra chuyện cảnh sát giao thông nhận mãi lộ, vì nếu nhận mãi lộ thì ngay lập tức bị đuổi khỏi ngành.

Như vậy, có thể thấy văn hóa giao thông của mỗi người dân Lào được giáo dục, nuôi dưỡng và trở thành ý thức tự giác. Nếu muốn giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông, ngoài việc các cơ quan chức năng có các biện pháp cứng rắn, quyết liệt thì cần phải đưa chương trình giáo dục ATGT vào trường học, trở thành môn học chính khóa. Có như thế mới hy vọng tình hình an toàn giao thông được cải thiện…

Nguồn giaothongvantai.com.vn