Thế giới - Những ngày đầu năm Nhâm Thìn

Ngay từ ngày mồng 1 Tết (23-1), gần 200.000 cư dân địa phương và khách du lịch đã kéo về các công viên ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc để đón mừng ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán Nhâm Thìn.

Tại Đền Ngọc Hoàng, 320 diễn viên đã tái diễn buổi lễ tạ ơn trời đất của triều đại nhà Thanh (1644-1911). Hàng ngàn du khách đã chứng kiến buổi lễ kéo dài 1 giờ đồng hồ diễn ra tại nơi mà các hoàng đế nhà Thanh từng cầu nguyện cho quốc thái dân an. Để bảo đảm an ninh cho lễ hội tết cổ truyền, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã triển khai 7 máy bay lên thẳng và 910.000 nhân viên an ninh khắp thành phố.

Tết con Rồng không chỉ được chào đón tại châu Á. Ngày 23-1 tại Mỹ, hàng trăm người cũng đã đón chào tết tại khu Chinatown ở New York. Tại Công viên Sara D. Roosevelt, người ta tổ chức lễ hội rước Rồng và bắn pháo hoa mừng năm mới. Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg đã đọc thông điệp chúc tết đến với cộng đồng người châu Á ở thành phố này.

Mừng tết con Rồng ở khu China Town, thành phố New York của Mỹ

Tại Anh, Thủ tướng David Cameron cũng đã gửi thông điệp chúc mừng năm mới đến với những người châu Á trên khắp thế giới. Năm nay cũng là năm kỷ niệm 40 năm ngày Anh là quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận nước CHND Trung Hoa và thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.

Giải quyết vấn đề dân số năm Rồng

Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn, trong thông điệp quốc gia, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tỷ lệ sinh sản, bởi nó sẽ giúp dân số Singapore không bị thu hẹp và nền kinh tế không bị phụ thuộc vào lao động nhập cư. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết trong năm mới, Chính phủ Singapore sẽ tiếp tục áp dụng các chính sách và biện pháp khuyến khích sinh con và giảm gánh nặng cho các gia đình nuôi con.

Tuy nhiên, Thủ tướng Singapore cũng lưu ý yếu tố quan trọng hiện nay không phải là ưu đãi tài chính nhiều hơn, mà là phải tạo được một môi trường xã hội ủng hộ và khuyến khích các cặp vợ chồng có thêm con. Người đứng đầu Chính phủ Singapore cũng cho rằng để tăng tỷ lệ sinh sản, một nhiệm vụ cấp thiết của chính quyền là phải củng cố niềm tin của người dân vào tương lai của đất nước cũng như tương lai của thế hệ tiếp theo.

Theo số liệu thống kê, trong nhiều năm gần đây, bất chấp những nỗ lực và biện pháp khuyến khích người dân sinh thêm con, tỷ lệ sinh của Singapore nhiều năm nay luôn thấp dưới tỷ lệ sinh thay thế 2,1, và có xu hướng giảm dần. Tỷ lệ này là 1,60 vào năm 2000 và giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,15 năm 2010.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, trong ngày đầu tiên của năm mới Nhâm Thìn, Trung Quốc đã đón chào rất nhiều công dân mới. Với quan niệm thích sinh con vào năm Thìn của người dân Trung Quốc, tỷ lệ sinh sản tại quốc gia đông dân nhất thế giới này được dự đoán sẽ tăng trong năm nay.

Theo China Daily, tỷ lệ sinh sản tại Trung Quốc trong năm nay dự kiến sẽ tăng 5% so với năm ngoái.

Năm Rồng nhưng kinh tế vẫn khó khăn

Dù theo quan niệm Á châu năm Rồng luôn mang lại sự sung túc và may mắn nhưng năm nay các dự báo kinh tế thế giới đều không mấy khả quan, sau Ngân hàng Thế giới và LHQ, giờ đến lượt Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa hạ mức dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 xuống còn 3,3% so với dự báo trước đó là 4% và cho rằng tình trạng đình đốn ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đe dọa sự phục hồi tăng trưởng toàn cầu.

IMF đã kêu gọi chính phủ các nước không sa vào những biện pháp cứu trợ tài chính khẩn cấp nhằm tránh sự thay đổi đột ngột chi tiêu, điều có thể khiến tình hình thêm trầm trọng. IMF cũng dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay là 8,2% so với mức dự báo trước đó là 9%. Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ cũng giảm xuống còn 7%, Nhật Bản còn 1,7%.

Mặc dù giữ nguyên dự báo đối với kinh tế Mỹ là 1,8%, tuy nhiên, IMF cũng cho rằng Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác sẽ không tránh khỏi sự ảnh hưởng nếu cuộc khủng hoảng tại châu Âu gia tăng cường độ. Trong khi đó, IMF lại cho rằng tăng trưởng kinh tế tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi sẽ tăng lên.

Thế giới cần thêm 600 triệu việc làm trong 10 năm tới

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã kêu gọi các chính phủ trên thế giới cần tạo thêm 600 triệu việc làm mới trong 10 năm tới để cải thiện tình trạng thất nghiệp, đảm bảo đời sống cho người dân và thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Trong Báo cáo về xu hướng thị trường việc làm toàn cầu năm 2012, vừa được công bố, Tổng Giám đốc ILO Juan Somavia cho biết bất chấp nỗ lực của các chính phủ, cuộc khủng hoảng việc làm hiện nay vẫn tiếp tục không suy giảm, khi cứ 1 trong 3 người lao động, hay ước khoảng 1,1 tỷ người, bị thất nghiệp hoặc sống trong nghèo đói.

Theo ILO, chính phủ các nước cần phối hợp chặt chẽ và có những hành động quyết đoán để khu vực tư nhân có lòng tin và điều kiện thuận lợi, trở thành đầu tàu về tạo việc làm mới trên toàn cầu.

ILO cũng cảnh báo, ngoại trừ khu vực châu Á, các khu vực đang phát triển đã tụt hậu đáng kể so với các nền kinh tế phát triển về tăng năng suất lao động, làm gia tăng chênh lệch về mức sống và hạn chế triển vọng xóa đói giảm nghèo.

Nguồn Báo SGGP Online