Cũng theo Bộ Công Thương, mức nhập siêu trong tháng đầu tiên của năm 2012 tiếp tục xuống thấp, từ mức 270 triệu USD trong tháng trước, nay chỉ còn khoảng 100 triệu USD. Tuy nhiên, diễn biến ngoại thương ở tháng Tết các năm thường là điểm trùng xuống thấp nhất của kim ngạch xuất, nhập khẩu. Vì vậy, sự suy giảm kim ngạch trong tháng không phải là điểm bất ngờ lớn.
Thống kê cho thấy, các mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh về kim ngạch gồm dệt may giảm 26,9%, thủy sản 39,8%, điện tử máy tính và linh kiện 34,5%, gỗ và sản phẩm gỗ 27,5%, cao su 31,3%…Ngược lại, về phía nhập khẩu, các mặt hàng giảm mạnh về kim ngạch gồm phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 94%; dầu mỡ động thực vật 52%; kim loại thường khác 58%…
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2012, Bộ sẽ tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cùng đó là duy trì và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là các hoạt động thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, thực hiện được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 13%.
Mặt khác, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường, cảnh báo sớm, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, xuất khẩu về các loại rào cản của các nước nhập khẩu nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cải thiện chất lượng hàng hóa tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.
Không những thế, với mục tiêu tỷ lệ nhập siêu dưới 10% như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu, mà trước hết là các dự án sử dụng vốn có nguồn gốc ngân sách. Xây dựng và ban hành các qui định, tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp với các cam kết quốc tế để hạn chế nhập khẩu các hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân, hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu.
Nguồn Báo SGGP