Nghỉ Tết dài ngày, phụ huynh lo lắng

Số ngày nghỉ Tết Nhâm Thìn của học sinh khá dài. Bên cạnh niềm vui các em có thêm thời gian nghỉ ngơi, đi chơi ngắm cảnh, thăm hỏi người thân, nhiều bậc phụ huynh cũng mất ăn mất ngủ về việc quản con em mình trước quá nhiều cám dỗ.

Điều mà các bậc phụ huynh lo lắng nhất vẫn là game online. Theo ý kiến của nhiều phụ huynh hiện tại các game online trong nước rất ít trò lành mạnh, thậm chí còn tỏ ra ngày càng lu mờ trước xự xâm thực ồ ạt của hàng loạt game bạo lực, kích thích không mang tính định hướng phát triển nhân cách cho trẻ.

Hội chứng “sợ Luyện”, sợ game xấu

Khoảng thời gian 3 tuần trước Tết Nhâm Thìn, cái tên Lê Văn Luyện đã trở thành đề tài sôi sục trên các phương tiện truyền thông. Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới con đường phạm tội của Luyện, một sát thủ chưa tới tuổi thành niên này là game online bạo lực. Điều đáng buồn nhất là Luyện đã lập kế hoạch cướp vàng và hành động tàn ác không khác gì cách hành xử của các nhân vật trong game của mình.

Qua khảo sát, nhiều bậc phụ huynh khá lo lắng về vấn đề này và quan ngại với tình trạng kích thích từ nội dung của nhiều trò chơi trực tuyến hay ngay trên điện thoại đi động. Rõ ràng khi rất nhiều game lôi cuốn chủ yếu lại là các game bạo lực, chém giết, bắn nhau… thì các bậc phụ huynh không khỏi nhấp nhổm mỗi lúc con em mình ngồi trước màn hình máy vi tính.

Mặc dù Tết chưa đến nhưng thay vì để con cái tự do vui chơi, chị Nga (trú tại đê Yên Phụ, Hà Nội) đã quán triệt tư tưởng với cậu con trai 12 tuổi chỉ được chơi game khi có sự giám sát của người lớn. Chị đã đổi mật khẩu truy cập máy và không tiết lộ cho con.

“Một phần vì các điểm giải trí lành mạnh quá tải, khu vui chơi ở thành phố vừa ít trò chơi vừa quá đơn điệu trong khi đó, các game online thu hút bọn nhỏ lúc nào cũng đầy ắp cảnh chém giết, cướp bóc không nương tay. Nếu cứ để con chơi những trò này thật không biết hậu quả ra sao”, chị Nga phân trần.

“Tôi tận mắt chứng kiến con tôi dí mắt vào một trò chơi kính thích giới tính không phù hợp với một đứa bạn nó đến chơi với nội dung người chơi đóng vai một nhân vật nam sẽ chộp lấy để hãm hiếp cho đến chết bất cứ nhân vật nữ nào. Tra hỏi thì tôi được biết con và mấy đứa bạn thường chơi những game kiểu này. Từ đó tôi luôn cảnh giác và giám sát chặt những trò chơi của con, nhất là những ngày nghỉ dài ngày như này”, anh Nguyễn Văn Toàn tại Hà Đông chia sẻ.

Cẩn thận hơn, bác Trần Đình Tiến (Hải Phòng) còn chịu khó phân công tất cả người lớn trong nhà giám sát đứa cháu đức tôn duy nhất mọi lúc mọi nơi trong dịp Tết dù hằng ngày cháu vẫn ngoan ngoãn và chưa có biểu hiện đáng nghi nào. Theo gia đình bác, hình ảnh kẻ sát nhân lấy tiền chơi game Lê Văn Luyện “vô cảm”, không chút mảy may hối lỗi trong ngày gần ra tòa khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Không ai muốn con cái mình là người kế tiếp.

Dù chưa có những đánh giá đầy đủ về tác động tiêu cực của game bạo lực có liên quan thế nào tới các những hành xử giang hồ của một bộ phận giới trẻ nhưng những câu chuyện đau lòng mà nguyên nhân xuất phát việc mê game online vẫn luôn ám ảnh các bậc làm cha mẹ. Nhẹ nhất là những sinh viên bỏ học, nợ tiền chơi đến mức cha mẹ ở quê phải bán trâu, bán đất trả nợ. Rồi chuyện một game thủ 17 tuổi ở TP.HCM chơi game liền 57 tiếng trong tình trạng không ăn, không ngủ, khi được chủ quán Internet nhắc nhở, ngăn cản không cho chơi tiếp thì dùng ghế phang vỡ máy tính rồi… ngất xỉu. Nguy hiểm nhất là em Nguyễn Viết Thành ở Hải Dương mới chỉ ở lứa tuổi học sinh nhưng đã giết cha lấy tiền chơi game. Không những vậy, Thành còn tìm cách phi tang tội lỗi bằng cách chặt xác cha thành nhiều mảnh vứt xuống sông rồi vẫn ung dung tiếp tục mua thẻ game để chơi.

“Các cháu học sinh, đặc biệt là các cháu học cấp III vẫn là những người đang trong giai đoạn hình thành nhân cách. Các cháu có xu hướng học hỏi, bắt chước, làm theo bạn bè hay những gì xung quanh. Nếu các cháu tiếp xúc quá nhiều với những nội dung không lành mạnh thì rất dễ để các cháu có những suy nghĩ lệch lạc về cái gì đúng, cái gì sai”, bà Lê Thị Thìn, một giáo viên đã về hưu nhận định.

Trong một cuộc trả lời trực tuyến mới đây về quản lý game online do Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức, các nhà quản lý lĩnh vực này đã khẳng định những game online khi phát hành tại VN phải được thẩm định về nội dung trước khi phát hành để đảm bảo không có nội dung độc hại. Tuy nhiên, các nhà quản lý cũng thừa nhận có thể những game không phát hành tại Việt Nam mà phát hành trực tiếp trên mạng không qua kiểm duyệt sẽ có nội dung độc hại.

Ảnh minh họa từ internet.

Đâu rồi game lành mạnh?

Theo ông Đào Mạnh Thắng, cán bộ trưởng phòng một đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ: “Tôi rất thích chơi cờ tướng, cờ vua trực tuyến và thấy vui mừng khi hai con mình cũng thích những trò này. Tuy nhiên, những game có nội dung kiểu này vẫn chiếm tỷ lệ quá ít trong khi những trò cờ bạc, đánh nhau ngày càng phát triển. Tôi tin rằng nếu các nhà phát triển chú ý đầu tư nhiều hơn những trò chơi có nội dung tốt và hấp dẫn thì người chơi sẽ không bỏ qua”.

“Chơi game không phải là xấu nếu game có nội dung lành mạnh, an toàn. Nhu cầu chơi game là một phần tất yếu của cuộc sống vì nếu loại bỏ game hoàn toàn là điều không thể. Bản thân tôi cũng là một người chơi game nên tôi không cấm đoán con cái mình không được chơi. Vấn đề ở chỗ mình có thể định hướng cho con chơi game an toàn trong tầm kiểm soát”, ông Phạm Tiến Hùng, giảng viên đại học Hà Nội chia sẻ.

Đồng quan điểm với ông Hùng, thầy giáo Đặng Văn Tân (TP HCM) cho rằng điều quan trọng là làm sao vẫn đáp ứng nhu cầu chơi game, đặc biệt là của học sinh, mà không gây hại cho họ. Theo thầy Tân, hướng đi tích cực mà nhiều nước trên thế giới đã làm đó là phát triển các loại hình game có nội dung lành mạnh, đặc biệt là game có nội dung giáo dục giúp người chơi vừa chơi vừa “nạp” kiến thức một cách nhẹ nhàng.

Trên thực tế, những game trên không phải ở Việt Nam chưa có. Nhiều bậc phụ huynh cho biết cũng đã tìm được cho con mình những game giáo dục theo hình thức “chơi mà học” nhằm phát triển tư duy trẻ rất hiệu quả.

Tuy nhiên, vấn đề then chốt, theo một số chuyên gia phát triển game, thách thức lớn nhất của các game lành mạnh vẫn là làm sao để “kéo” được học sinh và khiến họ đam mê, đặc biệt là những game thủ vốn chỉ mê hành động bạo lực bắn nhau, chém, giết. Không có lượng người chơi đủ thì không thể thu hồi vốn. Đây chính là cái khó khiến nhiều doanh nghiệp chỉ phát hành game thị trường và đành bỏ quên game “lành”.

Như vậy, vấn đề cốt lõi vẫn là bài toán kinh tế và doanh thu. Chừng nào chúng ta chưa có các game có nội dung lành mạnh nhưng hấp dẫn người chơi thì chừng đó các game bạo lực, chém giết, sex… nhưng hấp dẫn còn là mối lo của các bậc phụ huynh không chỉ trong dịp Tết này.

Nghiện game xấu - có phải lỗi của trẻ?

Ai cũng mong muốn con em mình sẽ có những trò chơi bổ ích để giải trí, thư giãn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các game không lành mạnh vẫn như thỏi nam châm có lực hút rất mạnh. Hiện tượng nhiều trẻ em nghiện chơi game tiêu cực không phải là hiếm nhưng nếu thẳng thắn thừa nhận, đó không phải hoàn toàn là lỗi của các em.

“Tôi cho rằng đại đa số trẻ em đều thích chơi game. Vấn đề là các em sẽ tiếp xúc hoặc được người lớn, gia đình, nhà trường định hướng sẽ trò chơi nào. Hiện nay tôi vẫn thấy vai trò của nhà trường và gia đình vẫn tương đối lỏng lẻo trong việc định hướng cho trẻ về việc này vì chủ yếu tập trung vào việc dạy học”, ông Phạm Tiến Hùng bổ sung.

“Cháu thấy các game mà bố mẹ cháu cài vào máy tính rất chán, nội dung không hay, quanh đi quẩn lại vẫn là Lines 98, Sudoku, giải ô chữ, xếp hình… trong khi các game ngoài quán và máy tính ở nhà bạn cháu rất hấp dẫn. Thỉnh thoảng cháu phải tranh thủ chơi nhờ ở nhà bạn và ngoài quán cho đỡ ghiền”, Minh Hiếu, học sinh lớp 7 tại xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên thừa nhận.

Còn Nguyễn Thanh Hà, học sinh lớp 6 tại quận Tân Bình TP. HCM tâm sự: “Những trò bố mẹ muốn con chơi con chẳng thích tí nào. Đến lớp, nhiều lúc nghe tụi bạn bàn luận, trao đổi con thấy mình như đứa ngố không biết gì nên con phải nhờ bạn đến cài giúp. May mà bố mẹ con ít khi để ý đến máy tính không thể nào con cũng bị mắng”.

Theo ý kiến của ông Đào Mạnh Thắng, việc trẻ em thích chơi game là việc hết sức bình thường. Nếu trẻ em tiếp cận với game xấu thì sẽ chơi game xấu. Nếu trẻ em tiếp cận với game lành mạnh nhưng không hấp dẫn thì vẫn sẽ tiếp tục chơi game xấu miễn là các em thấy hấp dẫn.

“Trẻ em thường ít phân biệt game tốt, xấu, lành mạnh mà có xu hướng trò nào hay, hấp dẫn thì chơi. Nếu mắng mỏ con cái hoặc cấm đoán thì sẽ không tốt, thậm chí phản khoa học. Lỗi là do người lớn chúng ta không nói cho các con biết tại sao chơi game đó xấu không nên chơi. Hơn nữa bản thân các game được coi là lành mạnh cũng chưa thực sự hấp dẫn thì khó có thể mong muốn trẻ sẽ chơi. Điều này thậm chí đúng ngay với các game thủ là người lớn”, ông Thắng tiếp.

Như vậy có thể thấy vấn đề không phải chỉ ở trẻ em. Người lớn, gia đình, nhà trường, các nhà phát hành game đều góp phần vào việc định hình thói quen chơi game ở trẻ. Có thể thấy hiện nhu cầu và thị trường về game “sạch” có sức hút vẫn thực sự là nhu cầu lớn nhưng vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Nguồn Báo Hànộimới